.
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHPN VIỆT NAM (20-10-1930 – 20-10-2009)

Phụ nữ Đà Nẵng - Thực tiễn sinh động của phong trào

.

Sự vận dụng một cách sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác vận động phụ nữ vào thực tiễn sinh động của phong trào phụ nữ thành phố nửa nhiệm kỳ qua (2006-2009), đã tạo nên những kết quả nhất định, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của thành phố và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, bà ĐỖ THỊ KIM LĨNH (ĐTKL), Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng đã cho biết cụ thể về vấn đề trên:

 

Nói đến những nét mới và nổi bật trong hoạt động của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng trong nửa nhiệm kỳ qua, trước hết tôi muốn đề cập đến sự vận dụng một cách sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với công tác vận động phụ nữ vào thực tiễn sinh động của phong trào phụ nữ thành phố.
 
Đầu tiên, trong chỉ đạo, Hội thực hiện phương châm “hướng mạnh về cơ sở”; chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội cơ sở; từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt hội viên... Trong nửa nhiệm kỳ qua, chúng tôi đã củng cố kịp thời các chi, tổ trung bình, thiếu cán bộ, xóa tình trạng trắng tổ phụ nữ. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng các mô hình tập hợp hội viên phù hợp để bảo đảm tính liên hiệp của Hội (244 câu lạc bộ (CLB), hàng chục nghìn tổ, nhóm); đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế và chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền điều lệ Hội, góp phần quyết định đưa tỷ lệ hội viên toàn thành phố đến nay đạt 69,73%, vượt 2,16% so với chỉ tiêu đề ra...

Có thể nói, từ sau Đại hội, việc giáo dục truyền thống yêu nước và phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam cũng được các cấp Hội đặc biệt quan tâm chỉ đạo sâu sắc, nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, phong phú về nội dung được áp dụng. Đến nay, 98% cán bộ, hội viên và phụ nữ học tập, tìm hiểu về chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thông qua nhiều phong trào như “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Tiếp bước truyền thống các nữ danh nhân, lịch sử dân tộc Việt Nam”... Đi đôi với việc tập trung giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo, phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi - một trong những hướng đi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2006-2011) đề ra đã được chú trọng. Phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu 686 phụ nữ ưu tú cho Đảng xem xét và kết nạp 381 đảng viên nữ; chủ động xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp...

Đặc biệt, một trong những “điểm nhấn” mà các cấp Hội đã làm rất thành công trong nửa nhiệm kỳ qua, đó là việc vận động đóng góp xây dựng “Trung tâm chẩn đoán và chữa bệnh cho phụ nữ nghèo” và công trình thi đua “Tôn tạo khu tưởng niệm  nhà yêu nước Thái Thị Bôi”… được triển khai sâu rộng, huy động sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong và ngoài thành phố.

Tuyên truyền, vận động chị em phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự chủ, đoàn kết, khắc phục tâm lý tự ti, an phận, vượt khó vươn lên; nâng cao ý thức và năng lực làm chủ, đề cao lòng tự trọng, ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện hội nhập. Chúng tôi luôn tâm niệm “bất cứ ở đâu và lúc nào, kiến thức cũng là chìa khóa” giúp con người mở mọi cánh cửa. Đây cũng chính là phương châm của phụ nữ Đà Nẵng với quyết tâm nâng cao trình độ, năng lực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống chính mình để không tụt hậu so với mặt bằng toàn thành phố.

Nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Hội luôn chú trọng đẩy mạnh các phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Quỹ vì nữ công nhân lao động nghèo”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”... Chúng tôi chọn ra nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp khả năng của chị em để nhân rộng. Kết quả, toàn thành phố đã thành lập 82 CLB, hàng trăm tổ nhóm phát triển kinh tế như: làm nấm, chăn nuôi 10 con, làm chiếu, đan lưới xuất khẩu, chế biến nước mắm... Xây dựng và duy trì được 2.209 tổ nhóm tiết kiệm, góp vốn quay vòng; tín chấp và quản lý nguồn vốn hơn 72 tỷ đồng...

Giải bóng đá nữ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm 2009 là một trong những hoạt động thể thao sôi nổi và thành công của Hội Phụ nữ quận Cẩm Lệ.  Ảnh: V.T.L

 

Đặc biệt, chúng tôi đã xét cho 9.327 hộ dân vay 31,819 tỷ đồng để xây dựng công trình vệ sinh và sửa chữa nhà... Trung tâm dịch vụ việc làm của PN Đà Nẵng cũng mở được 319 lớp dạy nghề cho 7.333 học viên; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 28.212 lượt người, trong đó có 22.763 phụ nữ. Có thể nói “điểm mạnh nhất của phong trào phụ nữ Đà Nẵng trong nửa nhiệm kỳ qua là tạo việc làm, là cùng thống nhất, cùng vào cuộc để giúp đỡ phụ nữ nghèo theo cách không dàn trải”.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội đã xây dựng công trình thi đua “3 trong 1” với phương thức 3 người giúp một người, mục tiêu hướng đến “Giúp phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; giúp đỡ, động viên trẻ em bỏ học trở lại trường hoặc cảm hóa trẻ em chưa ngoan trở nên tiến bộ; giúp đỡ gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình không còn tình trạng bạo lực gia đình”, đến nay đã có 56/56 xã, phường đăng ký giúp 164 gia đình; 1.123 chi hội/1.147 chi hội phụ nữ trên toàn thành phố nhận đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ, tiếp sức cho 1.123 gia đình vượt qua khó khăn. Cũng chính nhờ vào cách giúp đỡ này mà nửa nhiệm kỳ qua, Hội đã chủ động giúp đỡ được 10.084 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo, góp phần cùng thành phố giảm tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 19,3%.

Về nhiệm vụ cụ thể trong năm 2010, chúng tôi sẽ tập trung vào các trọng tâm như nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình và đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình hội viên phụ nữ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tăng cường công tác quản lý, phát triển hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia giám sát việc thực hiện chính sách bình đẳng giới, tiếp tục thực hiện các chương trình và dự án có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ.
 
HOÀNG THẮM
(ghi)

;
.
.
.
.
.