.
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14-10-1930 - 14-10-2009)

Khẳng định vai trò, vị trí của Hội Nông dân

.

79 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã từng bước phát triển, ngày càng thu hút đông đảo nông dân vào tổ chức Hội, có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng các hoạt động về cơ sở, nhằm phục vụ các lợi ích thiết thực của nông dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở nông thôn.
 

Nông dân Hòa Vang thu hoạch lúa vụ mùa năm 2009.  Ảnh: NHÂN MÙI

Đặc biệt, những năm gần đây, bằng các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các cấp Hội đã vận động hội viên tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thực hiện xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới.
 
Đại hội lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam (tháng 12-2008) đã xác định một trong 5 nhiệm vụ cơ bản là “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xứng đáng là trung tâm nòng cốt phong trào nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Từ đó, các cấp Hội có những hoạt động thiết thực và hiệu quả, hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, dạy nghề, vật tư, con giống, gắn kết nông dân.

Bên cạnh đó, để thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Hội Nông dân đã nghiên cứu và đề xuất với Nhà nước cải tiến các chính sách kinh tế-xã hội đem lại lợi ích chính đáng cho nông dân như về ruộng đất,  sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm.
 
Hội đã tham gia góp ý kiến với Đảng, giới thiệu cho Đảng những hội viên ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hội còn gắn việc tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh với việc xây dựng Hội vững mạnh về mọi mặt, tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân.

Từ những hoạt động thiết thực trên đã từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân, được Đảng, Nhà nước tin tưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động. Cụ thể như Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa”, Quyết định 17 của Thủ tướng Chính phủ quy định về trách nhiệm của các bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân hoạt động hiệu quả, Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân… Những văn bản này đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với Hội Nông dân.

KIM DŨNG

;
.
.
.
.
.