.

Mãi mãi là dân Cụ Hồ

.

VÕ CÔNG TRÍ Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

LTS: Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng xuất bản tập sách Mãi mãi là dân Cụ Hồ, tập hợp những bài viết mang nặng tình cảm sâu sắc của những người con quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng dành cho Bác khi hay tin Người qua đời và những diễn biến cụ thể của phong trào “biến đau thương thành hành động cách mạng” của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây cũng như sức lan tỏa của cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay.


 

Báo Đà Nẵng trân trọng đăng bài “Mãi mãi là dân Cụ Hồ” giới thiệu tập sách của đồng chí Võ Công Trí, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cùng bạn đọc.

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng và vô cùng quý báu, kết tinh những tinh hoa về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người.

Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta ôn lại những chặng đường vẻ vang của cách mạng nước ta, trong đó đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đà Nẵng là một thành phố ở đầu sóng ngọn gió trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, là nơi quân viễn chinh Pháp rồi Mỹ đổ bộ đầu tiên và cũng là nơi chúng sớm phải nếm trải những thất bại cay đắng, ê chề trong quá trình xâm lược nước ta. Đây là mảnh đất nhiều sĩ phu, văn thân yêu nước sinh thành và hoạt động; là nơi mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng đến thăm trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Từ ngày có Đảng, nhân dân Đà Nẵng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ thực hiện các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong các thời kỳ cách mạng, nhân dân Đà Nẵng đã gửi trọn niềm tin vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, dành cho Người những tình cảm thiêng liêng, sâu sắc ngay từ khi nước nhà còn trong đêm trường nô lệ. Với tình cảm đó, người dân Đà Nẵng đã luôn luôn hướng về Bác Hồ, tìm ở Người một niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Năm tháng sẽ đi qua, nhưng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi ở trong trái tim của người dân Đà Nẵng. Tư tưởng, tấm gương đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người mãi mãi tỏa sáng, soi đường cho Đảng bộ và nhân dân thành phố trên từng chặng đường cách mạng.

Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người là dịp để Đảng bộ và nhân dân thành phố tưởng nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho toàn Đảng và dân tộc trước lúc đi xa, qua đó tăng cường đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng thành phố Đà Nẵng văn minh, giàu mạnh.

Tập sách Mãi mãi là dân Cụ Hồ mà đồng chí, đồng bào và bạn đọc đang có trên tay là một trong những công trình thiết thực kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Ở đây người đọc sẽ tìm thấy những hồi ức của những người con quê hương Đà Nẵng, Quảng Đà vinh dự được gặp Bác, những tình cảm sâu sắc của người dân Đà Nẵng dành cho Bác khi hay tin Người qua đời tại thủ đô Hà Nội. Người đọc cũng tìm thấy ở đây những diễn biến cụ thể của phong trào “biến đau thương thành hành động cách mạng” của nhân dân Đà Nẵng trong việc quyết “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” sau ngày Bác mất và những tấm gương điển hình trong việc “Học tập và làm theo Di chúc của Bác” trong 40 năm qua...

Khi quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và miền Nam, với quyết tâm sắt đá đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một chân lý lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và chân lý mà Người nêu ra đã trở thành mệnh lệnh chiến đấu, động viên, thúc giục đồng bào, chiến sĩ miền Nam và cả nước xông lên trên “tuyến đầu đánh Mỹ”.
 
Trên chiến trường Quảng Đà, chiến tranh ngày càng ác liệt, một “Cao trào thi đua hưởng ứng Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nỗ lực thi đua quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” được phát động và nhanh chóng trở thành một cao trào đánh Mỹ sôi nổi. Đà Nẵng trở thành một “chấm son trên bản đồ Tổ quốc”, góp phần làm vẻ vang truyền thống “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” của quê hương Đất Quảng anh hùng.

Và ngay từ những ngày đầu hay tin Bác qua đời, với niềm đau đớn vô hạn và lòng biết ơn Bác, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà đã đồng lòng thề “Mãi mãi là dân Cụ Hồ”. Thật ý nghĩa biết bao khi giữa hang ổ của kẻ thù, trước sự truy bức, đánh phá của Mỹ-ngụy, quân dân Đà Nẵng vẫn tìm mọi cách để tổ chức lễ truy điệu Bác.

Tại căn cứ lõm K20, Nhà Đèn, Khu II-Hòa Vang, làng giáp ranh Tân Hạnh, trong các nhà tù đế quốc... bằng nhiều hình thức khác nhau, cán bộ, chiến sĩ, cơ sở và quần chúng cách mạng đã tổ chức Lễ truy điệu và để tang Bác Hồ. Trong những ngày đau thương đó, văn nghệ sĩ làm  thơ, viết văn khóc Bác; giữa lòng đô thị Đà Nẵng nhiều người dân lập bàn thờ thờ Bác, khóc Bác trong hầm bí mật hoặc giữ cho mình những tấm chân dung Bác trong niềm đau xót khôn nguôi và hứa trước anh linh của Người quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tự hào thay, trong đạn bom khói lửa của chiến tranh, trước sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, nhân dân Quảng Đà đã vận chuyển thành công đá Non Nước và gỗ quý ra miền Bắc xây lăng Bác Hồ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam nói chung và Quảng Đà nói riêng ở vào thời điểm cam go và quyết liệt nhất. Biến đau thương thành hành động cách mạng, quân và dân Quảng Đà đã nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến trên mọi lĩnh vực với phương châm “hai chân ba mũi giáp công”, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris; tiếp theo là tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng  hơn mười
                                                            ngày nay!” (1)

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc với một quyết tâm son sắt. Ngay từ những ngày đầu giải phóng, chính quyền thành phố đã tổ chức giãn dân, đưa dân bị địch dồn xúc vào thành phố trước đó về quê cũ; tiến hành rà phá bom mìn, tiến công đồng cỏ để giải phóng đất canh tác cho nhân dân cày cấy; cấp phát xăng dầu, phục hồi máy móc để công nhân trong các nhà máy tiếp tục sản xuất, bà con ngư dân lại ra khơi đánh cá. Đà Nẵng có được diện mào mới khi các kho tàng, công xưởng, xí nghiệp tiếp tục đi vào hoạt động, nhiều công trình mới được xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Từ năm 1997, trong cơ chế thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có sự lựa chọn đột phá rất quan trọng là đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội với những chính sách an dân và hợp lòng dân; huy động được sức mạnh của nhân dân như: “Chương trình thành phố 5 không”, “Chương trình thành phố 3 có”... đã tạo động lực cho thành phố phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đạt được trong hơn 34 năm qua thật đáng tự hào. Từ tro tàn đổ nát, từ một thành phố “tiêu thụ” và một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ-ngụy trước kia, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, tiềm năng và lợi thế của mình, Đà Nẵng phấn đấu vươn lên, xác lập vị thế là thành phố động lực của miền Trung và Tây Nguyên; phố phường ngày càng to đẹp hơn, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Cùng với sự đi lên đó, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã ra sức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đoàn kết phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tập sách Mãi mãi là dân Cụ Hồ, như trên đã nói, gồm những bài viết về những người con Quảng Đà từng được gặp Bác Hồ và được Người dành cho tình yêu thương vô bờ; là những người chưa từng được gặp Bác Hồ song trong tâm trí họ luôn hướng về Bác, hướng về miền Bắc xã hội chủ nghĩa với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; là hành động của những người lấy những lời dạy của Bác để làm lẽ sống, vượt qua những gian khổ trong công cuộc xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc hiện nay; là những cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ... chắc sẽ đem đến cho người đọc một cái nhìn mới về “làm theo” Bác Hồ trong những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhất, vì vậy, mỗi câu chuyện có một sức lay động và sức lan tỏa riêng...

Tuy nhiên, do thời gian có hạn, tư liệu chưa nhiều và năng lực của Ban Biên soạn có hạn, nên tập sách chắc không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của đồng bào, đồng chí và bạn đọc để lần tái bản được hoàn chỉnh hơn.Xin trân trọng giới thiệu tập sách Mãi mãi là dân Cụ Hồ cùng đồng bào, đồng chí và bạn đọc xa gần.                                            

V.C.T

(1) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, trang 498.

;
.
.
.
.
.