“Nghe dân nói, nói dân làm, làm dân tin” là phong cách dân vận được cả hệ thống chính trị quận Thanh Khê quán triệt và tuân thủ. Chính quyền được xác định là trung tâm phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong công tác dân vận. Năm dân vận chính quyền 2009, chính quyền các cấp quận Thanh Khê tiếp tục khẳng định: Chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Dựa vào dân để điều hành chính quyền
Các hộ dân hai bên đường Phạm Nhữ Tăng đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. |
Với nhiều phương thức dân vận khéo, cho đến nay không để xảy ra khiếu kiện đông người, chính quyền chưa phải sử dụng quyền lực Nhà nước theo quy định của pháp luật tổ chức lực lượng cưỡng chế giải tỏa giao mặt bằng cho dự án. Kinh nghiệm dân vận của chính quyền là phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền giải thích chủ trương của thành phố.
Mặt khác, xem xét nguyên nhân gây bức xúc cho nhân dân. Chính quyền sẽ đấu tranh với các Ban quản lý dự án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, đồng thời kiến nghị với thành phố điều chỉnh hợp lý chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư. Mỗi tháng hai lần, Chủ tịch UBND quận trực tiếp tiếp dân giải quyết ngay những kiến nghị, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND quận. Văn bản về kết quả trả lời sau tiếp dân được gửi đến từng người dân có thắc mắc, các cơ quan thuộc quận có trách nhiệm giải quyết và công khai kết quả trên website http://www.thanhkhe.danang.gov.vn.
Việc công khai này để nhân dân giám sát tính minh bạch trong giải quyết khiếu nại của dân và giám sát việc giải quyết của cơ quan đã được UBND quận chỉ đạo thực hiện. Đối với những trường hợp được giải thích nhiều lần nhưng không chịu thông chủ trương chỉnh trang đô thị của thành phố, quận tổ chức họp dân để công khai và chính đại đa số người dân đã đồng thuận đấu tranh với những người này.
Dư luận đồng thuận chủ trương của thành phố đã gây sức ép buộc nhiều trường hợp ban đầu có những đòi hỏi quyền lợi vô lý đã chấp nhận giao mặt bằng. Vì thế đã có trường hợp UBND quận phải ra quyết định cưỡng chế nhưng không cần thực hiện. Dự án nâng cấp đường Phạm Nhữ Tăng là một ví dụ. 90 hộ dân đồng tình đã đấu tranh, thuyết phục 17 hộ khác đồng thuận với chủ trương của thành phố.
“Công tác dân vận của chính quyền phải biết dựa vào dân, tạo được lòng tin trong dân mới có được sự đồng thuận của dân để điều hành, quản lý một cách hiệu quả. Nếu buộc phải dùng đến quyền lực Nhà nước để cưỡng chế người dân thì chính quyền địa phương đó có mặt hạn chế khi làm công tác dân vận”, ông Thương nói.
Việc gì có lợi cho dân thì làm
Cải cách hành chính, giảm thời gian chờ đợi, phiền hà cho nhân dân, xây dựng nền hành chính phục vụ dân là công tác được UBND quận Thanh Khê và 10 phường triển khai rất mạnh mẽ trong những năm qua. Mặc dù quy trình, thủ tục, thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính áp dụng chung toàn thành phố theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, song hiệu quả giải quyết hồ sơ, tình trạng trễ hẹn để dân đi lại nhiều lần ở mỗi địa phương là khác nhau và phụ thuộc vào bộ máy chính quyền.
Với nỗ lực CCHC quyết liệt, chính quyền các cấp quận Thanh Khê không ngừng tăng cường giáo dục cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho nhân dân và công khai để nhân dân cùng tham gia giám sát. Người đứng đầu các cơ quan hành chính chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận về công tác CCHC. Đơn vị nào để trễ hẹn hồ sơ, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân thì phải có văn bản xin lỗi công dân, tổ chức, giải thích rõ lý do và thủ trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận.
Tại tất cả các cơ quan hành chính thuộc quận đều công khai số điện thoại của lãnh đạo đơn vị và số điện thoại của Chủ tịch UBND quận cùng hòm thư góp ý của UBND quận. Thanh Khê cũng là địa phương đi đầu nghiêm túc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị định 158/2007/NĐ-CP nhằm tăng cường trách nhiệm của công chức khi giải quyết hồ sơ hành chính, giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho dân.
Đến nay, UBND quận đã áp dụng hai dịch vụ công qua mạng Internet là cấp phép kinh doanh hộ cá thể và xác nhận quy hoạch. Thanh Khê là địa phương được chọn để tham gia Đề án đơn giản hóa TTHC của Chính phủ giai đoạn 2007-2010. Hiện nay, UBND quận Thanh Khê cũng đang tiến hành các bước chuẩn bị để thực hiện thí điểm mô hình “một cửa điện tử” giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN