.
Môi trường nông thôn sau lũ

Còn nhiều việc phải làm

.

Sáng 27-10, đang đi trên địa bàn thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong (Hòa Vang) nhận thấy có mùi hôi thối, dừng lại quan sát, chúng tôi mới hay sát đường bê-tông là một ao tù không rộng lắm, nước đen ngòm, ngập rác rưởi, có vài ba xác động vật chết đang kỳ phân hủy, ruồi nhặng bâu đầy.
 

Bụi mù mịt trên quốc lộ 14B, đoạn qua xã Hòa Nhơn.

Đúng lúc đó, ông Nguyễn Trường Xuân, Phó Ban nhân dân thôn cùng một vài người dân đi qua và dừng lại phân trần: Sau lũ, môi trường ở đây ngột ngạt lắm, nước đọng hàng tuần liền mới cạn. Khu vực này trũng thấp, rác rưởi các nơi đổ về, dọn mấy ngày không xuể. Ông Xuân còn cho hay: Đây là vũng Meo. Đợt lũ nào, chỗ này cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Giá như cống thoát ra sông Túy Loan họ làm thấp hơn thì đâu đến nỗi. Đằng này ao thấp, cống cao, lũ qua lâu rồi mà ao này nước đọng mấy tuần không cạn. Muỗi nhiều vô kể. Lo nhất là sốt xuất huyết. Không chỉ môi trường ô nhiễm mà nước đọng lâu ngày, giếng nhà ai bơm lên cũng có mùi hôi. Gần 300 hộ ở thôn này chưa có nước sạch. Sau lũ, tại đây chưa được xử lý môi trường, phun thuốc khử trùng như các đợt lũ trước. “Thôn huy động bà con dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, tuy vậy, rác quá nhiều, nước đọng lâu ngày, chẳng ăn thua gì”, ông Xuân cho biết.

Ông Đặng Công Bông, có nhà sát đường bê-tông, phản ánh: Trước đây không có tình trạng này. Mấy năm gần đây, xây dựng không quy hoạch, lấp hết cống thoát nên mới ra nông nỗi này. Các đợt lũ trước, khi nước rút, ngành Y tế còn cho ít gói thuốc xử lý giếng nước ăn, đợt lũ này chẳng có, mà cũng không ai phun thuốc khử trùng. Bà con ở đây đang tính chuyện đóng góp tiền để xử lý môi trường.

Ở nông thôn, sau lũ, tình trạng môi trường bị ô nhiễm như thôn Túy Loan Tây 1 nêu trên không phải là hiếm. Đến đâu cũng thấy rác rưởi tấp đầy gốc cây, lũy tre. Mặc dù việc dọn vệ sinh sau lũ có triển khai, song rác rưởi quá nhiều, ứ đọng lâu ngày là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, trời liên tiếp mưa nên ẩm thấp, muỗi phát sinh rất nhiều. Theo người dân địa phương, việc xử lý môi trường của cơ quan chức năng có triển khai nhưng chưa chu đáo, có nơi làm qua loa, chiếu lệ. Không ít thôn chưa hề được phun thuốc khử trùng, thau rửa giếng nước ăn, xử lý hóa chất.

Hiện nay về nông thôn, người đi xe máy, xe đạp đều đeo khẩu trang, thậm chí cả người đi bộ cũng khẩu trang trùm kín mặt. Đường nào có xe cơ giới lưu thông, đường đó bụi mù mịt. Đi qua thôn Đại La, xã Hòa Sơn; thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, ngược đường 601, 604… luôn bị bụi đường “tra tấn”. Vùng khai thác vận chuyển đá, không gian bị bụi phủ đục nhờ như sương. Nhiều con đường xuống cấp nghiêm trọng, hễ mưa xuống là lầy lội, nắng lên là bụi mù mịt. Có thể nói, tìm được không gian trong lành, yên tĩnh ở vùng thôn quê bây giờ không dễ.

Với thực trạng môi trường ở nông thôn hiện nay, cần tập trung đầu tư cho việc xử lý. Từng thôn xóm huy động nhân dân tiếp tục thu dọn rác rưởi, khơi thông cống rãnh, phát dọn các khu vực nhiều cây cối, hạn chế muỗi phát sinh. Việc phun thuốc phải triển khai đến nơi đến chốn theo kiểu cuốn chiếu, không bỏ sót thôn nào. Bên cạnh đó, giải quyết ô nhiễm nước sinh hoạt cũng là vấn đề cần tính đến. Đối với các vùng liên tiếp bị ngập mỗi khi mưa to như thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cần có giải pháp tiêu úng kịp thời…

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.