.

Một số chính sách, pháp luật mới có hiệu lực từ 1-10

.

Luật bảo hiểm y tế: Khám ngoài giờ, trái tuyến vẫn được thanh toán

Bắt đầu từ hôm nay, 1-10, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chính thức được triển khai. Về cơ bản, quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành. Tuy nhiên, có nhiều điểm mới rất đáng quan tâm, đó là áp dụng đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh theo nhiều mức, theo các tuyến, hạng bệnh viện và các nhóm đối tượng khác nhau. Ngoài ra, người có thẻ BHYT có thể đi khám vào ngày nghỉ, ngày lễ, khám trái tuyến vẫn được thanh toán theo qui định.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân có BHYT tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo qui định, mức đóng BHYT sẽ tăng 1,5 lần so với mức đóng hiện hành (mức đóng được xác định là 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động hàng tháng hay lương tối thiểu). Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo, tối thiểu 30% mức đóng đối với học sinh-sinh viên và người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Nếu như trước đây, khám trái tuyến sẽ không được BHYT thanh toán, thì nay, với trường hợp khám chữa bệnh (KCB) không đúng cơ sở KCB ban đầu hoặc KCB không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (trừ trường hợp cấp cứu) thì Quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 79% chi phí đối với các trường hợp khám ở cơ sở KCB hạng 3; 50% chi phí đối với cơ sở KCB hạng 2; 30% chi phí KCB đối với cơ sở KCB hạng 1, hạng đặc biệt. Tuy nhiên, mức thanh toán không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Một điểm mới được nhiều người quan tâm, đó là người tham gia BHYT có quyền khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ vẫn được quỹ BHYT thanh toán như trong ngày làm việc. Với những trường hợp khám BHYT nhưng tự chọn thầy thuốc, tự chọn buồng bệnh thì chỉ được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo giá dịch vụ hiện hành của nhà nước áp dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó và theo mức hưởng quy định.

Từ ngày 1-10, trẻ dưới 6 tuổi được hưởng 100% chi phí dịch vụ kỹ thuật cao, 50% thuốc điều trị ung thư và chống thải ghép ngoài danh mục.

Những thẻ BHYT mới sẽ có hiệu lực và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được hưởng mọi quyền lợi theo luật BHYT và các văn bản hướng dẫn liên quan, không phân biệt là có thẻ BHYT hay chưa.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH), trẻ dưới 6 tuổi có thể khám chữa bệnh ở tuyến xã và sẽ được xác định đúng tuyến khi lên huyện nếu không đăng ký ở xã. Trong trường hợp cấp cứu, trước khi ra viện mới trình thẻ BHYT. Trẻ sẽ được thanh toán 100% chi phí dịch vụ y tế cơ bản theo quy định, kể cả thuốc có dạng bào chế đặc thù như siro, cốm, bột thơm...

Nếu trẻ chưa được cấp thẻ BHYT, các cơ sở y tế sẽ cấp mã số thẻ tạm thời để thống kê chi phí khám chữa bệnh điều trị tại cơ sở y tế, thanh toán đa tuyến và kinh phí cấp thẻ. Còn đối với trẻ đang có thẻ mà hạn sử dụng đến ngày 31-12 vẫn tiếp tục sử dụng thẻ và hưởng mọi quyền lợi luật mới.

Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

Nhiều điểm có lợi cho người dân

Với những thay đổi tích cực và thông thoáng về các quy trình thủ tục ở các khâu: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-10-2009 đã giải quyết nhiều vướng mắc bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai phát huy được nguồn lực từ đất đai, góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội.

Theo đó, về quy hoạch sử dụng đất, Nghị định 69/2009/NĐ-CP đã quy định rõ nội dung quy hoạch đất của từng cấp trên cả 4 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện, xã).

Quy định mới về quy hoạch đất phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, tránh được tình trạng chồng lấn quy hoạch giữa các cấp, không xác định được rõ ràng trách nhiệm của từng cấp khi xử lý tình huống.

Chẳng hạn như quy hoạch đất cấp quốc gia chỉ tập trung chỉ tiêu mang tính định hướng đối với các loại đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và những chỉ tiêu này phải xuyên suốt từ trung ương đến địa phương

Về bồi thường tái định cư, đã quy định tách bạch giữa bồi thường và hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi bao gồm hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm.

Cụ thể như trong mức hỗ trợ di chuyển theo Nghị định này, Nhà nước sẽ không quy định mức tiền hỗ trợ cụ thể (từ 3-5 triệu đồng như trước), thay vào đó sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quy định cho phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Khắc phục những bất cập trong hỗ trợ và ổn định đời sống, sản xuất cho bà con bị thu hồi đất nông nghiệp, Nghị định 69/2009/NĐ-CP thay vì quy định 1 mức duy nhất là cứ hộ gia đình nào có 30% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trở lên thì được hỗ trợ 36 tháng, thì nay chia thành 2 mức. Hộ dân nào bị thu từ 30-70% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ trong thời hạn 24 tháng, nếu bị thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp thì được hỗ trợ 36 tháng.

Về những hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường khu dân cư thuộc thị trấn nông thôn, đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở trong khu dân cư, đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ… thì được hỗ trợ từ 30-70% giá đất của thửa đất ở đó, diện tích được hỗ trợ không quá 5 lần mức giao đất tại địa phương và chỉ được nhận 1 lần.

Đối với đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, dân cư nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư thì được hỗ trợ bằng 20-50% giá đất ở trung bình của khu vực có đất bị thu hồi theo quy định, diện tích được hỗ trợ không quá 5 lần hạn mức giao đất ở địa phương.

Nghị định 69/2009/NĐ-CP cũng đưa ra một số quy định khác để hỗ trợ tái định cư như yêu cầu địa phương phải xây dựng đa dạng loại nhà ở tái định cư để người dân có nhiều sự lựa chọn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, nếu tiền bồi thường không đủ để mua suất tái định cư tối thiểu thì ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ khoản tiền chênh lệch này.

Ngoài ra, Nghị định 69/2009/NĐ-CP cũng cho phép lồng ghép 3 thủ tục về đầu tư, xây dựng và đất đai để cải cách thủ tục hành chính, thống nhất một đầu mối, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định. Như vậy trong khi thực hiện giới thiệu địa điểm, thông báo thu hồi đất thì chính quyền các cấp có thể cho phép nhà đầu tư tiến hành khảo sát, đo đạc bản đồ khu vực dự án để phục vụ việc lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, xây dựng và lập phương án tổng thể bồi thường tái định cư…

Yến Vy (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.