.

Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể

.

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Đây được xem như “bộ luật con” của hệ thống pháp luật Lao động, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Hội nghị triển khai Nghị quyết 01/NQ-ĐCT về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT”.

Từ nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đã triển khai sâu rộng đến các cấp Công đoàn nội dung TƯLĐTT bằng việc tuyên truyền, tập huấn và thực hiện; trang bị cho cán bộ Công đoàn kỹ năng đối thoại, xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT thông qua các lớp tập huấn, được cung cấp hàng trăm văn bản pháp luật, mẫu TƯLĐTT. Công đoàn các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức giao ban nắm tình hình, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện TƯLĐTT tại các DN.

Mặc dù vậy, việc tổ chức ký kết TƯLĐTT trong các doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn hạn chế, chỉ có 101/251 đơn vị có tổ chức Công đoàn ký được TƯLĐTT, tỷ lệ hơn 40%. Qua kiểm tra, một số bản TƯLĐTT có chất lượng, thương lượng ký kết đúng quy định, có nhiều thỏa thuận có lợi cho người lao động như tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, các chế độ về phúc lợi, ăn giữa ca, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng, ma chay, hiếu hỉ…

Tuy nhiên, vẫn còn có tới 50% các bản TƯLĐTT chất lượng còn hạn chế, quy định những điều trái với văn bản pháp luật; nội dung ký kết mang tính hình thức, sơ sài, sao chép các quy định liên quan của pháp luật lao động, chỉ ghi chủ trương, không có quy định cụ thể dẫn đến tình trạng không có cơ sở để ràng buộc thực hiện; đưa vào TƯLĐTT các thỏa thuận nặng về nghĩa vụ đối với người lao động hoặc ký kết nhưng không gửi Sở LĐTB-XH để đăng ký theo quy định, không phổ biến rộng rãi đến người lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém chất lượng trong nội dung TƯLĐTT, trong đó phải kể đến các quy định của pháp luật về TƯLĐTT, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các quy định về thương lượng, ký kết và đăng ký TƯLĐTT nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng để né tránh, thậm chí không thương lượng, ký kết và đăng ký TƯLĐTT.

Để khắc phục tình hình trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-ĐCT ngày 18-6-2009 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT”, một lần nữa xác định vai trò và tầm quan trọng của TƯLĐTT trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; việc ký kết TƯLĐTT phải đi vào thực chất, tránh hình thức mà nhiều bản TƯLĐTT đã mắc phải.
 
LĐLĐ thành phố cũng đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết trên, theo đó, phấn đấu đến năm 2013, hằng năm có 100%  doanh nghiệp Nhà nước tổ chức Đại hội công nhân, viên chức, 50% Công ty TNHH, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tổ chức Hội nghị người lao động và tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ký kết mới TƯLĐTT; 70% trở lên số CĐCS ở doanh nghiệp tổ chức thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT.
 
Công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường vai trò hỗ trợ CĐCS thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Nội dung TƯLĐTT phải đạt tiêu chuẩn “4 thật”: đối tác thật, thương lượng thật, nội dung thật, thực hiện thật. Đại diện hai bên có trách nhiệm, quyền hạn tiến hành thương lượng theo đúng quy trình, nội dung, thời gian với những nội dung thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động; thực hiện đúng quy định, phải báo cáo với cơ quan Nhà nước và thông báo để người lao động được biết.

TRÀ GIANG

;
.
.
.
.
.