.

Người tham gia BHYT sẽ cùng chi trả như thế nào?

.

Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 và trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang thực hiện khám chữa bệnh (KCB) theo chế độ BHYT từ ngày 1-10-2009. Theo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân thì từ ngày 1-1-2010, Luật sẽ áp dụng đối với 22/25 nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Trao đổi với P.V Báo Đà Nẵng, bà TRẦN THỊ LÝ, Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng cho biết một số điểm mới của Luật BHYT.

Từ ngày 1-10-2009, người tham gia BHYT tùy theo đối tượng sẽ đồng chi trả chi phí KCB ở các mức 5%, 20%. TRONG ẢNH: KCB tại Bệnh viện đa khoa Sơn Trà.

* Phóng viên (P.V): Thưa bà, người bệnh đã mua BHYT thực hiện cùng chi trả viện phí như thế nào? Các mức cùng chi trả:5% và 20% áp dụng với đối tượng nào?

- Bà Trần Thị Lý:
Theo Luật BHYT, người bệnh khi đi KCB đúng tuyến sẽ cùng chi trả chi phí KCB với quỹ BHYT ở 3 mức: 0%, 5% và 20% tùy theo nhóm đối tượng.

Cụ thể mức hưởng như sau:

1- Được hưởng 100% chi phí KCB cho:

- Một số đối tượng: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân; người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi.

- Cho mọi đối tượng khi đi KCB tại cơ sở y tế tuyến xã, phường.

- Tổng chi phí 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu hiện hành (97.500 đồng).

2- Được hưởng 95% chi phí KCB đối với các đối tượng người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người nghèo; dân tộc thiểu số. Phần còn lại người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.

3- Được hưởng 80% chi phí KCB cho nhóm các đối tượng còn lại. Phần còn lại người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.

KCB có sử dụng dịch vụ kỹ thuật (DVKT) cao, chi phí lớn:

1- Được hưởng 100% chi phí cho trẻ dưới 6 tuổi, người hoạt động cách mạng trước 19-8-1945, Bà mẹ VNAH, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát.

Được hưởng 100% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng DVKT: cho sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân. Phần còn lại do ngân sách của cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng chi trả.

Được hưởng 100% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng DVKT: Người có công với cách mạng.

2- Được hưởng 95% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng DVKT: đối với các đối tượng: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người nghèo; dân tộc thiểu số.

3- Được hưởng 80% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng DVKT: dành cho các đối tượng khác.

* P.V: Từ ngày 1-1-2010, mức đóng BHYT sẽ cao hơn trước, vậy quyền lợi của người tham gia BHYT có tăng hơn không?

- Bà Trần Thị Lý:
Từ ngày 1-1-2010, mức đóng BHYT sẽ tăng 1,5 lần, tức là bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp, mất sức lao động, mức lương tối thiểu hằng tháng. Mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên bằng 3% lương tối thiểu.

Ngân sách Nhà nước sẽ bảo đảm cho một số đối tượng: Người có công, người nghèo, người trên 85 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, cựu chiến binh, đối tượng bảo trợ xã hội. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu 30% đối với học sinh, sinh viên (từ ngày 1-1-2010) và đối với người thuộc hộ nông-lâm-ngư-diêm có mức sống trung bình (từ ngày 1-1-2012). Luật BHYT cũng quy định giảm mức đóng khi mua BHYT theo hộ gia đình và thân nhân của người lao động (có từ 2 thân nhân trở lên). Trong hộ gia đình, người thứ 2-3-4 lần lượt đóng 90, 80, 70% của người thứ nhất, người thứ 5 trở đi đóng 60%.

Việc tăng phí BHYT từ 3% lên 4,5% gắn liền với tăng quyền lợi của người tham gia BHYT. Mức phí BHYT 3% đã được giữ nguyên 18 năm nay, năm 1995 khi đó mới có trên 300 DVKT được quỹ BHYT thanh toán. Nay đã được bổ sung thêm lên đến trên 1.000 DVKT và thêm 177 DVKT cao, chi phí lớn được quỹ BHYT thanh toán. Danh mục thuốc được hưởng quyền lợi BHYT cũng mở rộng rất nhiều, không phân biệt thuốc nội, thuốc ngoại.

* P.V: Như vậy, những người đang dùng thẻ BHYT cũ có giá trị hết ngày 31-12-2009 đã thực hiện cùng chi trả chưa?

- Bà Trần Thị Lý:
Những thẻ BHYT phát hành trước ngày 1-10-2009 có giá trị sử dụng đến 31-12-2009 thì vẫn áp dụng quyền lợi như cũ, không thay đổi cho đến hết 31-12-2009. Thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 1-1-2010, tất cả các đối tượng sẽ được hưởng quyền lợi mới theo Luật BHYT.

* P.V: Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Việc cùng chi trả chi phí KCB BHYT, người bệnh sẽ cùng tham gia kiểm soát chi phí KCB, hạn chế tình trạng lạm dụng BHYT.

Hơn nữa, cùng chi trả sẽ làm cho người bệnh biết được ngay tổng chi phí đợt điều trị của mình được quỹ BHYT thanh toán cho cơ sở KCB, hiểu được BHYT là một chính sách xã hội, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Chi phí KCB mà quỹ BHYT thanh toán cho mình là của nhiều người trong cộng đồng đóng góp thông qua mua BHYT.


SƠN TRUNG (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.