Không ít người nghĩ rằng, từ khi cầu Sông Hàn đưa vào sử dụng thì đò ngang ở trên sông không còn nữa, tuy nhiên trên thực tế trong suốt thời gian qua, những chiếc đò ngang, đò dọc vẫn tồn tại, dù không nhiều. Thế nhưng không vì thế mà vấn đề an toàn giao thông đường thủy trên đoạn sông nơi cửa biển này được bảo đảm.
Người đưa đò và khách đều không mặc áo phao khi đi trên sông Hàn. |
Nói chung, khách thích chở đi đâu là mình chở thôi”. Thấy tôi có vẻ ái ngại khi nhìn chiếc thuyền nhỏ xíu, cũ nát với nhiều chỗ thủng đang được “vá” lại, ông T. trấn an: “Mình có bơi đi xa mô chú, chỉ loanh quanh nơi cửa sông này thôi. Hơn nữa, trên ghe lúc nào tôi cũng có gàu để tát nước, dễ chi chìm được” (!?).
Đem nỗi lo lắng này, tôi đi hỏi bà Nguyễn Thị Thơm ở An Lập, phường An Hải Bắc, đang cắm cúi “vá” thuyền ở gần đó, cũng nhận được câu trả lời tỉnh khô: “Mình biết lội mà lo chi chú, hơn nữa khách mình chở toàn là dân đi bạn, lỡ có chìm thì bơi vài chục mét ăn thua chi. Tôi làm nghề đưa đò này từ hồi mới 16 tuổi, đến bây giờ 58 tuổi rồi nhưng có ai bị chết đâu”. Nói vậy nhưng chính bà cũng công nhận, ngày trước đưa đò qua lại đoạn sông này thì dễ chèo, còn bây chừ ra tận vịnh Đà Nẵng sóng lớn, nhất là từ khi có cầu Thuận Phước, phải kinh nghiệm lắm mới chèo an toàn được vì nước ở giữa dòng vừa chảy mạnh, vừa có xoáy.
Còn ông L.V.T- một ngư dân ở Nại Hiên Đông - từ lâu đã bỏ nghề đi bạn để chuyển sang chèo đò ngang và dọc đoạn cuối sông Hàn - kể câu chuyện mà ông cho rằng rất đáng nhớ. Đó là vào năm 2002, một đêm trời có trăng, ông nhận chở một khách Nhật Bản đi dọc sông Hàn từ cầu Tuyên Sơn đến vịnh Đà Nẵng. Lúc đầu ghe vẫn đi bình thường, nhưng đến đoạn gần cầu Thuận Phước có một chiếc tàu đi ngược tạo nên sóng tràn qua, làm ghe từ từ chìm xuống. Cố gắng lắm ông mới đưa được khách vô đến bờ. Vừa đứng dậy, vị khách người Nhật này bỗng chắp hai tay vái ông mấy cái, rồi bỏ đi luôn mà chẳng thèm cầm túi xách, bỏ cả giày.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay trên đoạn sông Hàn từ cầu Tuyên Sơn đến vịnh Đà Nẵng, hằng ngày có khoảng 250 lượt ghe, tàu các loại đi lại. Trong đó số ghe, tàu của thành phố Đà Nẵng chiếm khoảng 1/5, còn lại của các địa phương khác đến như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình.
Những chiếc ghe cũ nát này vẫn được sửa chữa qua loa để hoạt động. |
|
Tiếp xúc với các chủ ghe, tàu thì hầu hết họ đều tỏ ra rất chủ quan về sự an toàn của phương tiện đang sử dụng. Và nếu đưa phương tiện đi kiểm định, khó có chiếc nào đạt chất lượng, vì đa số số ghe, tàu này đều trong tình trạng không an toàn, đặc biệt là đối với những loại ghe nhỏ, hầu hết rất cũ nát, đã qua nhiều lần sửa chữa tạm thời.
Đã vậy, gần như không một chiếc ghe nào có trang bị phương tiện tối cần thiết là áo phao và phao tròn. Đáng lo ngại nhất là thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều ghe nhỏ, cũ kỹ nhưng trên đó có rất nhiều người già và trẻ em ở các tỉnh lân cận về đoạn sông này sinh sống.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN