Sau cơn đại hồng thủy năm 1999, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang có một số người bị nước lũ cuốn trôi khi đang trên đường di chuyển lên vùng cao. Rút kinh nghiệm từ những trận bão lụt đó, năm nay, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai phương án “bốn tại chỗ”, trong đó chú trọng hỗ trợ nhân dân xây nhà tránh lũ.
Giảm thiểu rủi ro với nhà tránh lũ. |
“Hồi trước, mỗi khi lũ về, bà con lo lắm, tìm đủ chỗ để đi trú, khi thì chạy qua nhà cha mẹ, khi thì qua nhà hàng xóm mà nhà mô cũng chật chội, thấy phát phiền. Nhưng kể từ khi làm được căn nhà ni, mấy đứa nhỏ trong nhà không còn sợ sệt nữa”. Đây là tâm sự của chị Nguyễn Thị Thùy Trang, ở thôn Bồ Bản 2, khi nói về căn nhà được Tổ chức Vietnam of Children hỗ trợ 20 triệu đồng, có gác đúc tránh bão.
Nhìn những căn nhà tránh lũ (cũng vừa để ở) bề ngoài không khác mấy so với những nhà cấp bốn bình thường, chỉ khác là kiên cố và nhiều chức năng hơn.
Gác đúc bằng bê-tông thay vì gác gỗ hoặc tre như truyền thống tại nhiều nhà nông thôn Hòa Vang. Bên trong có hai lỗ vừa đủ nhoài người ra khi cần “cứu viện”. Với sự hỗ trợ và nghiên cứu của địa phương và Tổ chức Vietnam of Children, hàng chục ngôi nhà tránh lũ đã được xây dựng. Người dân 5 thôn của Hòa Phong nằm trong vùng trũng nhất so với các xã còn lại của huyện Hòa Vang, nay điều kiện sinh hoạt được tốt hơn.
Cũng vừa qua cơn bão, ông Nguyễn Trà vui mừng nói về căn gác tuy không bằng nhà có hỗ trợ, nhưng “chất được cả trăm ang lúa, chục người lên đó, rồi nấu cơm sinh hoạt trên nớ mấy ngày mưa bão. Cả bầy heo gà cũng theo lên trên nóc nhà luôn”. Những năm trước, đời sống người dân nơi đây còn khó khăn, dành dụm được “một cục tiền” để xây nhà là cả một cố gắng lớn. Tuy nhiên, sống tại mảnh đất đầy gió bão, bà con nông dân Hòa Phong quyết tâm xây dựng nhà kiên cố. Vì vậy, với những hộ không nằm trong sự hỗ trợ của các tổ chức, nhưng thuộc diện nghèo, chính sách đều được địa phương lưu ý.
Anh Tán Dũng bên căn nhà xập xệ sau trận bão. |
|
Qua cơn bão, nhà tránh lũ đã tạo hiệu quả trong công tác phòng chống bão lụt, tuy nhiên, sự chủ động của chính quyền và người dân nơi đây không phải đều tốt. Ví dụ như trường hợp anh Tán Dũng (1971), sống một mình lại bị tàn tật, nhà xập xệ, khi nước lũ tràn vào nhà, hơn 1 tạ lúa thu được từ vụ hè thu bị ướt sũng, nay đã mọc mầm. Cả người và tài sản đã không được di chuyển tới nơi an toàn. Những hộ thuộc diện nghèo như anh Dũng, cần được sự quan tâm của địa phương.
Bên cánh đồng Hòa Phong nước ứ đọng chân ruộng, không ít người ngao ngán trong cảnh “bão đã qua, nước còn ngập trong nhà”, rơm rạ treo lơ lửng ngọn cột điện, mới thấy hết sự cần thiết của những căn nhà tránh lũ.
Bài và ảnh: Duyên Anh