.
NHÂN KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHPN VIỆT NAM (20-10-1930 – 20-10-2009)

Viên ngọc giữa đời

.

Đó là những từ mà nhiều cán bộ, hội viên Cựu chiến binh (CCB) ở thành phố Đà Nẵng dành cho chị thương binh Vũ Thị Kim Liên, ở tổ 28 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Chị Liên trong vườn cây ăn quả của chị tại tiểu khu K54.

Chị Liên quê xã Duy Tân (Duy Xuyên-Quảng Nam), có bố mẹ đều tham gia cách mạng và hy sinh khi chị chưa tròn 2 tuổi. Chị lớn lên trong sự đùm bọc của bà con, hàng xóm và các đồng đội của bố mẹ. Từ tuổi thiếu niên, chị đã tham gia du kích mật, rồi trở thành đội trưởng đội diệt ác của xã, cùng đồng đội bao phen làm khiếp đảm quân thù.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, chị chuyển sang công tác ở nhiều cơ quan dân sự và nghỉ hưu năm 1989. Hồi ấy, đời sống khó khăn, chị đã phải tảo tần bươn chải bằng nhiều công việc nhọc nhằn để kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ ăn học. Trải qua bao năm buôn bán lặt vặt, chắt chiu từng đồng, chị mới mở được một đại lý bia, nước ngọt và tạp hóa, vừa bán sĩ vừa bán lẻ hàng trăm mặt hàng, dần có nhiều khách hàng và các đầu mối tiêu thụ, doanh thu tăng lên không ngừng.

Năm 2004, từ khoản tiền đền bù giải tỏa cùng với vốn tích lũy, chị đã mua 1.000m2 đất trên núi Sơn Trà để trồng sả, bạc hà cùng nhiều loại cây ăn quả, đồng thời mở rộng quy mô kinh doanh trên các lĩnh vực đất đai, chăn nuôi, dịch vụ thương mại... Sau đó, chị mua đất xây dựng khu du lịch sinh thái tại tiểu khu K54 (Sơn Trà), đầu tư trồng 2 hecta bạc hà ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), mở cửa hàng kinh doanh máy tĩnh điện và điện thoại di động tại số 81 Yết Kiêu-Đà Nẵng, xây dựng cơ sở làm nấm, nuôi cá, nuôi chó siêu thịt tại khu vực Cầu Trắng (phường Thọ Quang)..., giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động.

Khả năng làm kinh tế của chị Liên khiến ai cũng nể phục, nhưng tấm lòng nhân ái của người CCB này càng đáng trân trọng hơn nhiều. Chị đã đến với những người nghèo khó, bất hạnh, giúp đỡ họ bằng quần áo, tiền bạc, bằng cả phương tiện chữa bệnh và phương kế mưu sinh. Chị V.T.L là đối tượng hoàn lương được chị Liên giúp vốn để buôn bán nhỏ và hết lòng dìu dắt, động viên vượt khó vươn lên.

Bây giờ, chị L đã trở thành bà chủ một quán cà-phê, gặp chị Liên ở đâu cũng vồn vã chào hỏi trong sự biết ơn sâu sắc. Sinh viên N.D của Trường Đại học Duy Tân, nhà nghèo, thiếu tiền để mua dụng cụ học tập, đã được chị Liên cho 1,5 triệu đồng cùng với lời khuyên: “Dù thiếu thốn thế nào em cũng đừng bỏ học, có khó khăn gì cứ điện cho chị!”.

Bà Ngô Thị Kiệm ở huyện Duy Xuyên, hoàn cảnh nghèo khó lại đau ốm quanh năm, được chị Liên hỗ trợ một máy ion để chữa bệnh bằng phương pháp tĩnh điện và chỉ dẫn cho bà dùng máy này làm dịch vụ chữa bệnh. Nhờ vậy, bệnh tình bà Kiệm đã thuyên giảm nhiều và còn có nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng hơn 1 triệu đồng.

Cô nhân viên bưu điện Nguyễn Thị Hà ở trọ trong nhà chị Liên, khi đám cưới, gia đình ở xa không đến được, chị Liên đã đứng ra đại diện nhà gái, lo toan, giúp đỡ cho cô dâu cả về tinh thần lẫn vật chất. Từ đó, Hà đã xin phép được gọi chị Liên là mẹ và cư xử với chị như một đứa con hiếu thảo... Chị Liên còn cưu mang, giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, những em bé mồ côi, những con người khuyết tật, neo đơn.

Người thương binh này còn có nhiều đóng góp tích cực đối với công tác địa phương, nhất là về phong trào văn hóa văn nghệ và luôn tích cực trong các hoạt động nhân đạo-từ thiện. Đặc biệt, chị có năng khiếu diễn kịch và hát dân ca rất hay, dù đã gần 60 tuổi nhưng giọng hát vẫn mượt mà, sâu lắng và cuốn hút người nghe. Vở dân ca kịch tự biên “Hãy xoa dịu nỗi đau” của Hội CCB quận Ngũ Hành Sơn do chị đảm nhận vai chính đã gây xúc động sâu sắc cho công chúng và đoạt nhiều giải thưởng cao.

Trên đường về, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ hoạt bát, cương nghị và cũng không sao quên được câu nói của ông Phan Chí Thanh-Chủ tịch Hội CCB phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn): “Ý chí, tài năng và lòng nhân ái của chị Vũ Thị Kim Liên sáng như viên ngọc giữa đời thường”.
           
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM
            

;
.
.
.
.
.