Bão số 9 tràn qua khiến hàng loạt tuyến đường quan trọng của thành phố bị hư hại nặng nề, trong đó có một số tuyến như quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn xã Hòa Phước), ĐT 601, ĐT 604, Yết Kiêu, Hoàng Sa…, khiến giao thông bị tê liệt vì đất đá vùi lấp hoặc sạt lở. Tuy nhiên, nhờ khẩn trương triển khai khắc phục ngay từ khi bão vừa qua đi, đến nay tất cả các tuyến đường trên đã được thông trở lại.
Khắc phục vị trí sạt lở phía đông cầu Phú Lộc. |
Chính vì vậy, ngay khi nước bắt đầu rút, không đợi nguồn điện lưới, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 545 đã đưa máy phát điện đến để công nhân sử dụng máy khoan phá phần cống bị hư hại. Bên cạnh đó, tiến hành gia cố tạm thời phần sạt lở để tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông qua lại bình thường.
Đặc biệt, ngay khi cơn bão qua đi, đơn vị đã quyết định cho thông xe một làn ở cầu Đỏ, phần cầu còn lại đang được tập trung hoàn thiện vào khoảng cuối tháng 10 này. Theo tính toán của đơn vị thi công, bước sang tháng 11 nếu có lũ, tại hai vị trí cầu Đỏ và cầu Quá Giáng đều có thể cho xe lưu thông bình thường. Điều này cũng có nghĩa xe sẽ không bị kẹt trong trường hợp có lũ, vì so với hai cầu cũ, những chiếc cầu mới này cao hơn từ 2-3 mét. Theo một cán bộ kỹ thuật đang có mặt tại công trình cho biết, với gần 20 phương tiện và hơn 50 công nhân đang làm việc ở các đường dẫn của cầu Đỏ và Quá Giáng thì mốc thời gian phấn đấu trên là hoàn toàn trong tầm tay.
Trong khi đó tại vị trí dốc Kiền của đường ĐT 604 - điểm sạt lở nặng nhất trong đợt lũ vừa qua, với khoảng 80 ngàn mét khối đất đá - đến nay đã cho xe máy đi qua. Ngay sáng ngày 1-10, Công ty Quản lý, sửa chữa công trình giao thông và thoát nước đã điều 3 xe ủi đất để dọn đá tại đây, và mới đây đã tăng thêm 2 xe đào nữa để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến chiều 7-10, đơn vị thi công đã san ủi được 3 cấp giao thông, và đang tiến hành ủi cấp cuối cùng để vài ngày đến có thể cho ô-tô qua vị trí này. Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) cũng đã giao cho Ban Quản lý Dự án giao thông nông thôn mời các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá chính xác khối lượng cần thi công, đưa ra phương án sửa chữa nhằm sớm thông xe, vừa tránh sạt lở từ những trận mưa lũ còn lại trong năm nay.
Với vị trí sạt lở trên đường ĐT 601, nhờ chủ động điều phương tiện cơ giới lên khắc phục hậu quả ngay trong chiều ngày 1-10, nên đến ngày 4-10, toàn bộ 5 ngàn mét khối đất đá sạt lở lấp đoạn đường này đã được san ủi để các phương tiện qua lại bình thường. Nhằm tránh tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra, đơn vị thi công đã tiến hành đóng cọc gia cố ở một số vị trí xung yếu.
Đặc biệt, đáng ghi nhận nhất là thời gian giải phóng lượng đất đá từ núi Sơn Trà lấp hai con đường Hoàng Sa và Yết Kiêu rất nhanh. Chỉ sau một ngày, gần 5 ngàn mét khối đất đá sạt lở xuống hai con đường này đã được di chuyển đến nơi khác. Xe ra vào cảng Tiên Sa đã nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường trên đường Yết Kiêu.
Theo ông Tô Đình Trung, Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị Sở GT-VT, đây là sự cố gắng rất lớn của Sở GT-VT, tuy nhiên để bảo đảm an toàn cho đường Yết Kiêu trong thời gian đến, Sở GT-VT đề nghị đơn vị đang thi công đường trên núi Sơn Trà phải có phương án chống sạt lở gây ách tắc giao thông và nguy hiểm cho người đi đường, vì lượng đất đá từ trên núi cao rất có thể tiếp tục sạt lở một khi có mưa lớn.
Riêng tuyến đường Nguyễn Tất Thành, việc khắc phục hoàn toàn cần rất nhiều thời gian. Ngay sau bão, Công ty Quản lý, sửa chữa công trình giao thông và thoát nước đã hoàn thành việc giải phóng toàn bộ lượng đất đá bị hất lên lòng, lề đường. Tại vị trí sạt lở phía đông cầu Phú Lộc, đến nay việc cố định nền móng đã hoàn thành, đang lắp dầm tạm để các phương tiện có thể lưu thông qua cầu trong vài ngày tới.
Sau bão số 9, việc khắc phục được thực hiện khá đồng bộ và thời gian thông đường cũng rất nhanh. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành Giao thông. Tuy vậy, vấn đề chất lượng công trình cũng cần đặc biệt quan tâm để giảm thiểu “điệp khúc”: cứ có mưa bão lại đi sửa chữa công trình giao thông!
Bài và ảnh: Thanh Vân