Trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm nơi nằm lại của liệt sĩ Hoàng Kim Tùng và đồng đội, điện thoại của người con dâu liệt sĩ là chị Nguyễn Thị Thu Hà cứ đổ chuông liên hồi. Ở bên kia đầu dây, bà Phan Thị Thọ - vợ của liệt sĩ Hoàng Kim Tùng đang dõi theo từng bước đi của đoàn người. Đã gần 40 năm trôi qua, người đàn bà góa bụa này luôn trông ngóng chồng, thế mà hài cốt của chồng bà đã bấy nhiêu năm vẫn không tìm thấy.
>> Phần 2: Anh và đồng đội ở nơi nao?
>> Phần 1: Hành trình 480 phút tìm “Hòn đá Đà Nẵng”
>> Phản hồi qua bài báo “Nơi các anh nằm lại...”: 40 năm khắc khoải tìm cha
Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định và con trai liệt sĩ Hoàng Kim Tùng bên Bia tưởng niệm các đồng chí đã hy sinh năm 1972. |
Lúc đó, bà mới hơn 20 tuổi. Một mình ở đất Bắc nuôi con nhỏ và ngóng mong chồng trong sự phập phồng lo lắng, cùng nỗi đau như các bà mẹ, bà vợ khác không thể gọi thành tên. Tia hy vọng cuối cùng đã tắt hẳn sau 7 năm, bà cầm trên tay tờ giấy báo tử của chồng. Nỗi đau chồng chất như không thể lớn hơn.
Một lần nữa, bà Phan Thị Thọ - người con của liệt sĩ Phan Quán - một cán bộ ngành Công an tỉnh Bình Trị Thiên trước đây, mang thêm nỗi đau của một người vợ liệt sĩ. Chiến tranh thì cả dân tộc chịu sự hy sinh, mất mát, nhưng có lẽ sự hy sinh của những người phụ nữ là quá lớn… Một lần nữa, điện thoại đổ chuông, ở đầu dây bên kia, giọng bà đã rung lên như sợi dây đàn. Tôi biết, chỉ cần gõ nhẹ vào miền ký ức của bà thôi cũng khiến cho trái tim bà bị tổn thương.
Đã bao lần, bà muốn nhấc chân đi tìm chồng, nhưng sức yếu, nhà lại neo người nên bà đành gác lại, và rồi đêm nào cũng sụt sùi nước mắt bên người con trai. “Đêm đêm nhìn lên bàn thờ, thấy di ảnh của chồng mà lòng tôi quặn đau, thương chồng bao nhiêu thì tủi phận bấy nhiêu”, bà nói như khóc. Nỗi đau chất chứa bao năm đã bùng lên với mong mỏi đi tìm chồng, để rồi bà viết một bức tâm thư thay cho những gia đình có chồng là liệt sĩ đang nằm lại trên núi Hòn Tàu kia gửi đến nhiều địa chỉ.
Và gần đây nhất, chúng tôi có được nhiều công văn phúc đáp và đề nghị của nhiều cơ quan có thẩm quyền lưu tâm đến trường hợp liệt sĩ Hoàng Kim Tùng và các liệt sĩ khác cùng nằm lại. Âu đó cũng là trách nhiệm, là mệnh lệnh trái tim của người đang sống, và sống cho người đã khuất.
Ngày 29-8-2008, một lá đơn của bà Phan Thị Thọ gửi cho một số cơ quan như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam và trong đó có cả lá thư gửi Báo Đà Nẵng nhờ trợ giúp trong việc tìm kiếm mộ liệt sĩ Hoàng Kim Tùng. Đó chỉ là những lá đơn được viết sau này, còn trước đó, gia đình đã không ít lần liên lạc với nhiều cá nhân và đơn vị để được giúp đỡ.
Xin trích một phần trong lá thư để thấy tâm nguyện khao khát, đau đớn của những người thân liệt sĩ: “… Thưa các đồng chí, cho đến nay đã 36 năm cứ trôi qua, gia đình của các liệt sĩ không thể có một phương tiện nào để đến đó, để thăm viếng được.
Ngày Tết, ngày lễ chỉ biết thắp nén hương hướng về núi Hòn Tàu xa xăm, khấn vái, đau lòng… Năm 1992, một số anh em đồng đội của Báo Quảng Đà (Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng ngày nay – P.V) và Điện ảnh (một bộ phận của Ban Tuyên huấn Quảng Đà – P.V) đã bươn bã, vạch cây rừng, vượt núi, băng đèo… và đã xác định được vị trí (trên mặt núi đất đá chồng chất) mà liệt sĩ, anh em đồng nghiệp mình đang ở dưới lòng sâu của núi đá… Không có cách nào khác, các đồng chí đã dựng một tấm bia nhỏ, thắp hương khấn vái, ghi tên lưu lại tưởng niệm… rồi lòng không đành được, đã bốc trên mặt núi đá 5 nắm đất mang về phân vào trong 5 chiếc tiểu... đưa về nghĩa trang liệt sĩ làm mộ gió. Còn về phía gia đình chúng tôi, những người mẹ, người vợ, người con, cháu ruột thịt, tháng năm dài chỉ biết ngóng về Hòn Tàu chờ mong, chưa một lần đến đó thắp hương được…”.
Nguyện vọng lớn nhất của bà cũng như những người vợ, người mẹ của các liệt sĩ là mong được các cơ quan chức năng giúp đỡ, dù đưa họ về ở chung một ngôi mộ, họ cũng chấp nhận mà yên lòng: “... Xin đề nghị các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Quảng Nam hãy quan tâm tổ chức quy tập đến nơi đến chốn, để gia đình chúng tôi có điều kiện thăm viếng, hương khói…”. Như vậy, sau gần một năm viết thư (2008), chuyến đi vào núi Hòn Tàu của gia đình liệt sĩ Hoàng Kim Tùng mới được thực hiện.
“Sống trên mảnh đất với hàng ngàn, hàng vạn mộ liệt sĩ, mỗi lần đến nghĩa trang thắp hương cho các anh, dù cố không khóc nhưng nước mắt tôi cứ chực trào ra. Người muôn phương nằm lại đất Quảng Trị, còn cha mình vò võ nơi hang đá lạnh lẽo này”. |
Thêm một lần rời Hòn Tàu, chúng tôi về nghĩa trang liệt sĩ của hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn. Hàng trăm ngôi mộ được quy tập về đây mà hầu hết các liệt sĩ là người địa phương. Không ít trong số đó là mộ các chiến sĩ còn rất trẻ tham gia mặt trận Quảng Đà từ những năm sau Ngày Độc lập 1945, từ Mậu Thân 1968 đến Xuân 1975. Mộ các liệt sĩ đã hy sinh tại dãy Hòn Tàu (Duy Xuyên) được hương khói vào những ngày lễ, Tết, nhưng... đấy là những ngôi mộ “gió”.
Con trai liệt sĩ Huỳnh Kim Tùng đang sơn lại tấm Bia tưởng niệm giữa rừng sâu Hòn Tàu. |
|
Quảng Đà (Quảng Nam và Đà Nẵng) - miền Trung đang bước vào mùa mưa, việc tìm kiếm và quy tập hài cốt các liệt sĩ trong hang sâu, núi thẳm sẽ là một trở ngại lớn. Thêm một trở ngại, vì đến nay, trong số các đồng chí đồng đội cũ, có người đã quy tiên do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật. Những đồng đội còn lại vì sức khỏe không thể lên Hòn Tàu tìm kiếm, thắp nén nhang cho người đã khuất. Nhưng, nếu không đưa được các liệt sĩ về thì không chỉ các chú, các anh là đồng đội cũ mà cả chúng tôi, những người đồng nghiệp hậu thế sẽ thấy như mắc nợ với thế hệ đi trước, những người đã ngã xuống vì cuộc sống bình yên hôm nay.
Ký sự của DUYÊN ANH-NGỌC PHÚ