Trong khi số trường hợp nhiễm HIV trong độ tuổi thanh niên được phát hiện mới ngày càng nhiều thì các biện pháp truyền thông vẫn trong tình trạng loay hoay tìm hướng đi thích hợp. Vậy, nên chăng đã đến lúc các bậc phụ huynh cần đóng vai trò là người tuyên truyền viên gần gũi, tích cực nhất nhằm giúp con mình được bảo vệ an toàn trước đại dịch HIV/AIDS.
Nói thật để giúp con
Phụ huynh cần được tập huấn, tuyên truyền để giáo dục con mình tốt hơn. |
Qua tivi, sách báo và mạng, chị biết được bọn trẻ bây giờ sống “thoải mái” hơn rất nhiều. Thành thử thấy con có thêm nhiều bạn trai lẫn gái, chị H cũng nơm nớp trong lòng. Làm sao để quản lý con? Làm sao giúp nó tránh được những vấp ngã trong đời? Và, liệu có nên nói cho con biết về những chuyện liên quan đến giới tính hay không? Những câu hỏi ấy làm chị H luôn trăn trở.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị nhiệt tình chia sẻ: “Bản thân tôi rất muốn nói cho con biết nhưng cảm thấy khó quá. Đôi lúc nửa đùa nửa thật thì được chứ đi thẳng vào vấn đề mình cũng ngại ngùng huống gì tụi nhỏ nó nghe. Nhưng không lẽ cứ im lặng thì làm sao biết được mà giúp con?”.
Cũng như chị H, cái khó nhất hiện nay của nhiều bậc phụ huynh không phải do thiếu kiến thức để truyền đạt mà họ chưa tìm được con đường để tiếp cận con mình trong những vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng thực sự quan tâm đến việc giáo dục, tuyên truyền cho con mình những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS, ma túy, các bệnh lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn…
Qua nhiều lần thử nói với con, chị H rút ra kinh nghiệm: “Đây là vấn đề rất tế nhị, không nên tỏ ra trầm trọng quá khi nói với con mình. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, thì cứ thoải mái như những người bạn, đặc biệt, mình càng tự nhiên bao nhiêu thì tụi nhỏ càng dễ chia sẻ bấy nhiêu. Nói ra thì xấu hổ nhưng cứ mạnh dạn hướng dẫn con cách dùng bao cao su và thuốc tránh thai những lúc cần thiết”.
Phụ huynh cũng là đối tượng cần được tuyên truyền
Được biết, hiện nay những lớp tập huấn về phòng chống HIV/AIDS… chủ yếu dành cho thanh-thiếu niên và cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách ở tuyến quận huyện, xã phường. Trong khi những phụ huynh như chị H muốn tham gia một lớp học như trên lại quá khó.
Bác sĩ Võ Thành Trung, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng cho biết, mặc dù chúng tôi vẫn tích cực tuyên truyền, nhưng trong thực tế, đội ngũ tuyên truyền viên ở các cấp còn quá mỏng, không thể bao quát nổi.
Chương trình phòng chống HIV/AIDS hiện nay mới bước đầu có hiệu quả trong việc làm giảm tốc độ lây lan. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần chủ động trong việc giáo dục, phổ biến kiến thức cho con mình nhằm giúp chúng thay đổi hành vi trong cuộc sống. Đây là vấn đề mấu chốt, là cách tốt nhất để bảo vệ con em cũng như góp phần làm giảm sự lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng.
Tính đến hết tháng 8 năm 2009, trên toàn thành phố có 1.133 trường hợp nhiễm HIV, trong đó: lây nhiễm qua đường máu 486 ca, chiếm 42,89%; lây nhiễm qua đường tình dục 495 ca, chiếm 43,69%; lây từ mẹ sang con 24 ca, chiếm 2,12%; lây không rõ nguyên nhân 128 ca, chiếm 11,30%. |
Bài và ảnh: HOÀNG LINH