Mới học xong lớp 7 nhưng ông Nguyễn Văn Xê (52 tuổi), trú tổ 13, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê chế tạo được nhiều linh kiện phục vụ cho ngư dân trên biển đông. Ông được mọi người gọi với cái tên thân thiết: ông “kỹ sư”… lớp 7.
Ông Xê và công nhân đang chế tạo những sản phẩm ngư cụ, phục vụ cho ngư dân. |
Năm 1990, do ốm đau, không lao động được, kinh tế gia đình trở nên túng thiếu, khó khăn, ông phải bán nhà trở về lại địa phương sinh sống. Thời gian này, bà con ngư dân phường Xuân Hà đang được mùa biển, nhất là mùa mực vì họ đã học tập được kinh nghiệm câu mực (mực lá Đại dương) từ ngư dân Trung Quốc. Được mùa, đời sống của ngư dân Xuân Hà ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, về ngư cụ, ngư dân phải mua hàng của Trung Quốc, giá cao mà chất lượng kém.
Trước tình hình đó, ông trăn trở, nghĩ suy tìm phương án giải quyết cho bà con ngư dân. Cái khó là ông chỉ mới học đến lớp 7, không thể chế tạo ra được các sản phẩm như kỹ sư thành thạo. Nhưng ông đã đánh liều bằng cách mua những sản phẩm ngư cụ của Trung Quốc về, sau đó mò mẫm nghiên cứu. Suốt một thời gian khá dài, ông nghiên cứu cái đơn giản nhất là rườn câu mực. Nhưng không dễ, để làm được rườn câu mực phải sáng chế ra máy đập, máy cắt.
Ông lại tiếp tục tìm tòi, mua sắm. Hơn một năm miệt mài, nhiều lần thất bại, muốn bỏ nửa chừng, nhưng bản tính cần cù, chịu khó của ông đã thắng. Ông đã chế tạo được khuôn đúc các linh kiện, rườn câu mực. Khi đã chế tạo ra khuôn mẫu, ông thử làm và hướng dẫn cho những người trong gia đình, sau đó kêu một số người ở địa phương không có việc làm đến để dạy.
Tự chế thì khó, nhưng khi dạy thì dễ nên những người trong gia đình ông đều trở thành thợ hết thảy. Nhờ đó, ông đã sản xuất được hàng loạt sản phẩm rườn câu mực bán cho ngư dân ở các nơi với giá thành rẻ, chất lượng khá tốt, đáp ứng nhu cầu của ngư dân nghèo. Mỗi năm, cơ sở ông đã sản xuất hơn 15 nghìn bộ rườn câu mực.
Không dừng lại ở đó, ông Xê tiếp tục nghiên cứu một loại sản phẩm khác là đèn câu mực và đèn lưới cản. Đây là một loại đèn dùng bằng năng lượng pin (dạng pin thông thường), nhưng tự động. Theo ông Xê, khi bỏ pin vào, ban đêm đèn tự động đỏ, chớp nháy theo từng màu sắc tự chế, ban ngày đèn tự động tắt. Tác dụng lớn nhất của loại đèn tự động này là giúp ngư dân nhìn thấy nhau về ban đêm, đồng thời dễ bẫy con mực vào lưỡi câu… Như vậy, từ việc tự nghiên cứu, học hỏi, đến nay ông Xê đã chế tạo được nhiều ngư cụ, phục vụ bà con như rườn câu, lưỡi câu mực, đèn lưới cản, khuôn đúc linh kiện…
Ông Xê hồ hởi khoe, mỗi năm cơ sở của ông sản xuất hơn 15 nghìn bộ rườn câu mực, 20 nghìn chiếc đèn câu mực và đèn lưới cản. Hằng năm, gia đình ông thu nhập từ các sản phẩm này hơn 170 triệu đồng. Điều làm ông vui hơn là cơ sở của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động phổ thông ở địa phương. Hiện nay, bình quân mỗi công nhân thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng, công việc ổn định.
Công nhân Lê Văn Cường, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn tâm sự: Em làm ở cơ sở này đã được 3 năm. Ban đầu vào, em không biết gì, nhưng nhờ sự chỉ bảo của ông Xê, chỉ trong một thời gian ngắn, em đã thành thạo công việc. Hiện em đã có công việc làm ổn định, thu nhập khá… Cường thổ lộ: “Ban đầu mới vào, em không tin là những sản phẩm này do ông Xê chế tạo. Bởi em nghĩ nó không dễ chút nào, ít nhất là kỹ sư mới sáng chế ra được mà ông Xê thì mới trình độ cấp 2, không được ai bày vẽ. Quả thật, chẳng mấy ai được như ông Xê”.
Để sản phẩm bán ra được thị trường, ông Xê lấy thương hiệu cho cơ sở của mình là Hải Linh, hiện những sản phẩm này đã có mặt trên cả nước. “Tuy nhiên, gặt hái những thành công như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi còn nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp hội, đoàn thể ở địa phương, tạo điều kiện giúp vốn để đầu tư, sản xuất”, ông Xê bộc bạch.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ