.

Phòng chống HIV/AIDS trong thanh niên

.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, trong 8 tháng đầu năm 2009, toàn thành phố có 89 ca lây nhiễm HIV mới được phát hiện, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đối tượng trong độ tuổi thanh niên (từ 20 - 39 tuổi) có 72 ca, chiếm tỷ lệ 80,9% và chiếm 67,52% so với tổng số trường hợp nhiễm HIV trên toàn thành phố,  tính đến nay là 1.133 trường hợp.

Lây nhiễm qua QHTD không an toàn

Học viên lớp tập huấn phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên trình bày cách lập điểm truyền thông thân thiện tại Đoàn phường.

Hiện nay, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn  chiếm tỷ lệ cao trong lây nhiễm HIV tại thành phố Đà Nẵng (43,69%). Thanh niên là đối tượng được phát hiện nhiều nhất, chiếm đến 51,7% trong tổng số 89 trường hợp nhiễm mới trong 8 tháng qua.

Có một thực tế trong thanh niên hiện nay là những hiểu biết về phòng chống HIV/AIDS, QHTD an toàn chỉ dừng lại ở mức độ “sơ sơ”, nhưng  việc dễ dãi trong QHTD, thường xuyên QHTD không an toàn lại khá phổ biến.  Bạn T.T.S, sinh viên Trường Đại học Kinh tế cho biết: “Tại trường, thỉnh thoảng chúng em  cũng được tham gia các hội thi, nói chuyện với chuyên gia về vấn đề HIV/AIDS, nhưng khi ra khỏi hội trường thì chẳng mấy ai nhớ đến nữa”. 

Trên thực tế, thanh niên là đối tượng nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, nhưng  lại không mấy mặn mà với kiến thức về phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền của ngành chức năng vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Ngay tại các Đoàn phường, xã, một trong những đầu mối quan trọng trong việc tiếp cận, cung cấp thông tin cho thanh niên cũng còn rất hạn chế. Một cán bộ Đoàn phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu cho biết, một năm Đoàn phường chỉ tổ chức được 4 buổi nói chuyện, tư vấn tập trung về HIV/AIDS cho thanh niên trên địa bàn. 

Tăng cường các lớp học phòng, chống HIV/AIDS

Có mặt tại một buổi học “Phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên”  vào sáng ngày 24-9, chúng tôi chứng kiến các bạn học viên rất cởi mở khi trao đổi cùng báo cáo viên về những vấn đề khá nhạy cảm như: làm thế nào để QHTD an toàn, cách phòng tránh thai hiệu quả, sử dụng bao cao su thế nào cho đúng, biểu hiện của người nghiện và nhiễm HIV/AIDS...

Tại những lớp học như thế này, ngoài việc được  tiếp cận những thông tin, kiến thức có chiều sâu, các học viên còn được hướng dẫn các kỹ năng sống, kỹ năng truyền thông đạt hiệu quả cao. Học viên Nguyễn Thị Thanh Hương, Đoàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu chia sẻ: “ Bây giờ mà cứ khuyên các bạn nói “không” với QHTD là điều không thể. Tốt nhất và thiết thực nhất là cung cấp các kỹ năng sống như: kỹ năng nói không với QHTD không an toàn, cách dùng bao cao su an toàn...”.

Tại lớp học, các học viên còn được hướng dẫn cách thiết lập điểm truyền thông - tư vấn ngay ở địa phương mình, trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố cung cấp thông tin, tư vấn và giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trợ lý Dự án phòng chống HIV/AIDS thì việc cung cấp kiến thức là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là hành vi của các em khi gặp phải những trường hợp “nhạy cảm”.
 
Hiện nay việc tiếp cận, quản lý các đối tượng thanh niên bị nhiễm HIV/AIDS gặp nhiều trở ngại, nguyên nhân chính xuất phát từ sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng. Thêm vào đó, các địa chỉ “đáng tin cậy” cho người nhiễm HIV/AIDS đến và chia sẻ thông tin vẫn còn quá ít. Ở tuyến quận, huyện mạng lưới này hầu như chưa được thiết lập. Phải làm sao giáo dục, tuyên truyền các em ý thức bảo vệ mình và giảm kỳ thị thì lúc đó phòng chống HIV/AIDS mới mong đạt được những bước tiến mới.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.