Sáng 22-10, Quốc hội làm việc tại Tổ để đánh giá Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010.
Kịp thời chống lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế
Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh |
Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) phân tích: “Năm 2009, cả doanh nghiệp và người dân đều phải chịu những khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn, nhanh chóng đưa đất nước vượt qua khó khăn, là một trong những nước trên thế giới sớm vượt qua được suy giảm kinh tế và giữ được tốc độ phát triển. Đó là thành công lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo kỳ này của Chính phủ, đã đưa ra được những chiến lược cụ thể, rõ ràng, thể hiện một quan điểm mới của Chính phủ về cách nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng để giải quyết vấn đề, để từ đó đưa ra được nhiều chính sách: Hỗ trợ lãi suất vốn, bảo lãnh cho vay; cho vay về máy móc, sản xuất, làm nhà; đặc biệt là chính sách về an sinh… được áp dụng từ đầu năm đến nay đã phát huy tác dụng rất tốt. Điều đó cho thấy, sự chuyển hướng chỉ đạo rất kịp thời của Chính phủ từ ngăn chặn, chống lạm phát đến ngăn chặn suy giảm để duy trì tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an sinh”.
Cũng theo đại biểu Lê Quốc Dung, một thành công nữa, đó là Việt Nam không có các công ty bị đổ vỡ, phá sản do bối cảnh suy giảm kinh tế, giữ được cuộc sống ổn định trong khi trên thế giới, rất nhiều công ty, ngân hàng lớn bị phá sản. Đại biểu Lê Quốc Dung nhấn mạnh: “Theo ý kiến cá nhân tôi, năm 2009, đời sống của người dân còn đỡ xáo trộn hơn năm 2008”.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, năm 2009 là năm có hoàn cảnh đặc biệt, đó là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực mạnh và trực tiếp đến nước ta. Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp đặc thù, mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả chống khủng hoảng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững.
Nên dừng gói kích cầu đầu tư ngắn hạn
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, gói kích cầu đầu tư của Chính phủ thời gian qua đã cho kết quả rất khả quan nhưng lại không nên tiếp tục chính sách này. Gói kích cầu được đưa ra thời gian qua là rất kịp thời, đúng đối tượng và có tác dụng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ 4% lãi suất của ngân hàng mới chỉ đến được với 20% số doanh nghiệp, như vậy còn lại khoảng 80% số doanh nghiệp phải chăng chưa được hỗ trợ.
Các đại biểu cho rằng, chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất vào cuối năm 2009 sẽ đỡ tốn tiền ngân sách của Nhà nước, đỡ mất bình đẳng và không làm méo thị trường tiền tệ khi chúng ta đang gặp khó khăn trong việc điều hành lãi suất. Nên tiếp tục đầu tư hỗ trợ kích thích về trung hạn cho người dân vay làm nhà, phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đô thị, mua máy móc thiết bị… thêm một thời gian nữa.
Không tái cấu trúc nền kinh tế, sẽ vấp phải khó khăn trong lương lai gần
Bên cạnh những việc làm được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế của nền kinh tế. Sau một thời kỳ phát triển nóng, nền kinh tế có nhiều bất ổn, nếu không tái cấu trúc lại, không điều chỉnh lại chính sách đầu tư, đường lối chỉ đạo chúng ta sẽ vấp phải những khó khăn trong tương lai gần.
Các đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Lê Quốc Dung (Thái Bình), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cùng chung phân tích: Sau bao nhiêu năm đổi mới, nhưng vấn đề chế biến nông sản vẫn còn cực kỳ yếu, chúng ta chỉ xuất nguyên liệu thô với giá trị hàng rất lớn. Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nền kinh tế và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu chúng ta có thể chế biến được thì lợi nhuận thu về sẽ lớn hơn rất nhiều, đời sống của người nông dân sẽ khá hơn. Các đại biểu đề nghị, đối với vấn đề này, Quốc hội cần lên tiếng, cần tạo một sự lay chuyển mạnh trong cách điều hành, định hướng để tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Một hạn chế nữa của nền kinh tế đó là sự bất lợi về giá cả, kể cả đầu ra, lẫn đầu vào. Giá nhà đất, chi phí doanh nghiệp, chi phí đời sống người dân… đều rất cao mà nguyên nhân chính là do nạn đầu cơ, do chính sách. Một nền nông nghiệp phải bán với giá cạnh tranh đầu vào cao, trong khi giá đầu ra lại luôn thấp hơn so với thế giới thì không hiểu sự quản lý Nhà nước ở đây như thế nào? Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đang tiềm ẩn những mất cân đối vĩ mô rất lớn. Đó là ở đồng tiền Việt Nam và ngoại tệ. Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam bị thâm hụt cán cân thanh toán xuất nhập khẩu, dẫn đến thiếu ngoại tệ. Nếu không cẩn thận, thị trường của ta dễ bị xáo trộn. Rồi vấn đề bội chi ngân sách ngày càng tăng, nếu kéo dài sẽ dẫn đến lạm phát.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, đối với hai trong số các chỉ tiêu không đạt của năm 2009 là tạo việc làm và tỷ lệ hộ nghèo thì con số của báo cáo chưa chính xác, độ tin cậy chưa thật sự yên tâm.
Theo đại biểu, về giảm nghèo, chúng ta chưa thực hiện chuẩn nghèo mới, do tính đầu vào không có chuẩn nên đầu ra phát sinh phải chạy theo. Ban hành nhiều chính sách giảm nghèo, nhưng điều quan trọng là phải giám sát việc tổ chức thực hiện. Chẳng hạn, chi ngân sách cho chương trình giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, mỗi địa phương 1%, nhưng các địa phương thực hiện cũng rất khác nhau, có nơi bao gồm cả chính sách đặc thù khác, kể cả chương trình 134, 135…
Về việc làm, đại biểu cho rằng căn cứ, cơ sở để xây dựng chỉ tiêu này chưa thuyết phục, cần nghiên cứu cách tính cho phù hợp. Nên chăng, thay đổi chỉ tiêu tạo việc làm mỗi năm hiện nay bằng tốc độ tăng trưởng việc làm là bao nhiêu phần trăm. Đại biểu đề nghị, phải kiểm soát cho được tỷ lệ thất nghiệp. Thực tế cho thấy, thất nghiệp ở các nước nông nghiệp, kém phát triển thường thấp. Vì thực chất là thất nghiệp trá hình, nghĩa là đào tạo ngành này nhưng làm ngành khác, đào tạo trình độ đại học nhưng làm công nhân, chia sẻ việc làm, chia sẻ thu nhập,... nên tỉ lệ thất nghiệp thấp, giảm hoặc chỉ tăng nhẹ.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng: |
ĐNĐT - VOVNews