.

Rà soát thủ tục hành chính là trách nhiệm của cả tập thể

.

Sáng ngày 19-10, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (Tổ Đề án 30) của Thủ tướng Chính phủ do ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực có buổi làm việc với Tổ Đề án 30 của thành phố Đà Nẵng kiểm tra tình hình thực hiện Đề án 30 tại địa phương.

Tổ Đề án 30 của Chính phủ thảo luận với các đơn vị thực hiện Đề án 30 của thành phố Đà Nẵng.

Báo cáo của Tổ Đề án 30 của thành phố tại buổi làm việc: Tổ Đề án 30 đã triển khai đầy đủ các nội dung giai đoạn II của Đề án đơn giản hóa TTHC giai đoạn 2007-2010 như: Tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên của 20 sở, ban, ngành, của UBND quận Thanh Khê, UBND phường Thanh Khê Đông. UBND thành phố đã triển khai kế hoạch truyền thông về thực hiện Đề án 30.

Tổ Đề án 30 của thành phố đã xây dựng phần mềm hỗ trợ rà soát TTHC tại địa chỉ: http://www.cchchdn.com với nhiều tiện ích giúp bộ phận chuyên môn rà soát trực tuyến các TTHC theo 3 loại biểu mẫu quy định, thống kê, theo dõi tiến độ rà soát, kiểm soát chất lượng rà soát… Tính đến ngày 16-10, thành phố đã rà soát được 1.225/1.278 thủ tục, mẫu đơn, tờ khai. Từ đó đưa ra 319 khuyến nghị bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi TTHC, đạt 26,04%; 211 khuyến nghị sửa đổi, bổ sung mẫu đơn, tờ khai, chiếm 21,73% và đưa ra 70 khuyến nghị thay đổi, bổ sung yêu cầu, điều kiện đối với TTHC, chiếm 15,55%. Các khuyến nghị này chưa qua Tổ 30 của thành phố thẩm định.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Hải Phan đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong thực hiện Đề án 30 và những biện pháp tích cực của Tổ Đề án 30 thành phố. Ông Phan lưu ý việc thực hiện rà soát TTHC là trách nhiệm của cả tập thể, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị. Chất lượng rà soát và khuyến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung TTHC sẽ không đạt kết quả cao nếu chỉ giao cho chuyên viên tổng hợp.

Giai đoạn rà soát theo biểu mẫu không đơn thuần là khảo sát điều tra mà đòi hỏi đơn vị thực hiện phải có đầu tư thời gian, thảo luận, phân tích đưa ra các khuyến nghị có chất lượng. Kể cả những bất hợp lý của luật cũng nên kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung. Ông Phan đề nghị các bước tiến hành rà soát cần theo quy trình: Chuyên viên-lãnh đạo phòng-Tổ giúp việc lãnh đạo sở, ban, ngành-lãnh đạo sở, ban, ngành.

Ông Phan tin rằng nếu làm chặt chẽ, có chất lượng, Đà Nẵng sẽ có những khuyến nghị cắt giảm, sửa đổi, bổ sung tới 60% TTHC. Qua thực hiện giai đoạn rà soát TTHC còn có một kết quả nữa là có thể đánh giá được năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức trong đơn vị.

Tin và ảnh: S.T

;
.
.
.
.
.