.

Sạt lở cầu đường do bão lụt: Bao giờ chấm dứt?

.

Gần như đã thành quy luật, hằng năm cứ đến mùa mưa bão, các công trình giao thông lại bị sạt lở nghiêm trọng. Liệu đây có phải là điều bất khả kháng nằm ngoài khả năng của con người hay là còn vấn đề nào khác?

Điệp khúc: bão lụt-cầu đường sạt lở

Bờ kè đường Nguyễn Tất Thành đã bị gãy đôi trong cơn bão số 9 vừa qua.

Cơn bão số 6 năm 2006 đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng đã khiến cho các công trình giao thông ở thành phố bị thiệt hại nặng nề. Cá biệt, ở một số tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, ĐT 602, Hoàng Sa, ĐT 604…, giao thông bị tê liệt hoàn toàn do một lượng đất đá lớn lấp kín các lối đi. Công tác khắc phục hậu quả của cơn bão này vừa xong thì cơn bão số 9 vừa qua gần như xóa sạch mọi nỗ lực của thành phố.

Mặc dù sau các cơn bão vừa qua, thành phố đã chi không ít kinh phí để khắc phục hậu quả, thế nhưng thực tế cho thấy, ở những đoạn đường bị sạt lở, sau khi được sửa chữa đều trở nên hết sức mong manh và rất dễ bị sạt lở tiếp. Đơn cử như việc khắc phục hậu quả cơn bão số 6-2006, tại vị trí dưới chân chùa Linh Ứng Bãi Bụt, sau khi vận chuyển hết lượng đất đá bị sạt lở, đơn vị thi công đã tiến hành đúc những ô vuông bê-tông cốt thép có kích thước mỗi cạnh khoảng 1 mét đặt lên và sau đó trồng cỏ.

Không cần người có kiến thức chuyên môn sâu về cầu đường, chỉ cần quan sát thực tế cũng có thể thấy rằng, cách khắc phục này không thể chống đỡ được cả một quả đồi lớn đã bị bạt ra để làm đường trước đó. Và thực tế cơn bão số 9 vừa qua chứng minh sự lo ngại đó là có cơ sở, khi một mảng lớn của quả đồi đã sạt lở tiếp, cuốn đi tất cả các tảng bê-tông trên bề mặt. Đó là chưa kể ở bờ kè cũng trên tuyến đuờng này chỉ cao trên một mét, làm sao chống đỡ được cả một quả đồi lớn đã bị “cắt” đi phần chân để làm đường.

Tương tự là trường hợp đường Nguyễn Tất Thành. Cơn bão số 6-2006 làm hư hỏng con đường này, thế nhưng công tác khắc phục sau đó chỉ khôi phục hiện trạng ban đầu mà không có sự gia cố đặc biệt nào. Chính vì vậy, cơn bão số 9 vừa qua đã “tái hiện” cảnh đổ nát của cơn bão số 6-2006. Tệ hơn, cơn bão này đã làm cho hàng chục vị trí bờ kè gãy làm đôi, để lộ ra bên trong không có một một cây cốt sắt nào(?). Trước tình hình này, người dân thành phố đang rất quan tâm “rồi đây cơ quan chức năng sẽ khắc phục con đường này bằng cách gì, chứ theo “kịch bản” năm 2006 thì làm sao không lặp lại điệp khúc: bão lụt-cầu đường bị sạt lở tiếp”.

Đáng lo ngại hơn là vị trí sạt lở tại dốc Kiền trên tuyến đường ĐT 604. Sau cơn bão số 9, gần như cả đoạn đường này bị biến mất, và hiện nay đơn vị thi công đang dồn sức khoét vào quả đồi bên cạnh để sớm có thể thông đường. Hiện trạng tại đây là một con đường đất đỏ nhỏ nằm dưới một quả đồi dựng đứng, thì khả năng tiếp tục sạt lở nếu có mưa to là rất lớn.

Công tác tư vấn, thiết kế cầu đường: Liệu đã có thể yên tâm?

Khắc phục sạt lở trên đường ĐT601.

 

Sau khi tuyến bờ kè đường Nguyễn Tất Thành bị bão đánh gãy với “lời tố cáo” là khối bê-tông này không có cốt thép, trả lời giới truyền thông, ông Nguyễn Kim Tiến, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng giao thông công chính - đơn vị thiết kế tuyến đường này - vẫn một mực khẳng định “thiết kế đúng, không có gì sai”. Còn việc bê-tông không có cốt thép là do thiết kế theo mức chịu bão số 9 chứ không phải bão cao hơn. Thế nhưng, khi đuợc hỏi “Vì sao một công trình được xác định quy mô vĩnh cửu lại chọn ở mức chịu được bão số 9?” thì ông Tiến lại không trả lời.

Đây cũng là vấn đề của nhiều tuyến đường khác thường bị sạt lở như ĐT 602, ĐT 604, Hoàng Sa… Không hiểu các đơn vị tư vấn thiết kế dựa vào tiêu chí nào để thiết kế các bờ kè, mái ta-luy ở những vị trí có khả năng sạt lở rất cao lại quá đơn giản như vậy? Một quả đồi cao mấy chục mét, thế nhưng khi làm đường chỉ xây bờ ta-luy cao hơn một mét, còn lại để lộ ra cả một quả đồi đất đỏ với bề mặt không bê-tông, không cây xanh, và thiếu hệ thống thoát nước từ trên đỉnh xuống dốc.

Xung quanh vấn đề này, theo đại diện của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố cho biết: Liên hiệp Hội này có gần 20 hội nghề nghiệp, quy tụ hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư ở nhiều lĩnh vực, có nhiều kinh nghiệm trong nghề, sẵn sàng đứng ra làm công tác tư vấn phản biện các công trình của thành phố. Thế nhưng trên thực tế, hiếm khi các Hội nhận được lời đề nghị từ các đơn vị tư vấn thiết kế trên địa bàn. Kỹ sư trưởng Trần Dân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn cầu đường thành phố - người có thâm niên trên 40 năm trong nghề cầu đường - cho biết thêm:
 
“Thỉnh thoảng chúng tôi cũng được mời để tham gia tư vấn phản biện một số công trình cầu đường của thành phố. Tuy nhiên, ở những lần được mời hiếm hoi đó, ý kiến của chúng tôi và nhà tư vấn thiết kế ít khi gặp nhau. Không biết có phải vì thế nên sau này rất ít khi họ mời chúng tôi tư vấn phản biện giúp họ.

Về chuyên môn kỹ thuật, việc ý kiến trái chiều như vậy là bình thường, thậm chí là rất tốt cho các đơn vị tư vấn thiết kế để tránh sai sót đáng tiếc, mà điển hình là công trình kè đường Nguyễn Tất Thành”. Cũng theo ông Trần Dân, việc thiết kế bờ kè đường Nguyễn Tất Thành là chưa ổn, và ngay cả đoạn đê từ cầu Phú Lộc đến Nam Ô đang được thi công như hiện nay cũng cho thấy chưa đánh giá hết được mức độ xâm thực của biển với công trình này.

Để bảo đảm tuổi thọ các công trình cầu đường, bản thân các đơn vị từ tư vấn thiết kế, thi công đến giám sát công trình phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Ở đây cũng cần đề cập đến nguyên tắc là mời các nhà khoa học có chuyên môn, kinh nghiệm trên lĩnh vực này tham gia công tác tư vấn, giám định và phản biện, nhằm tìm ra được phương án tốt nhất cho công trình. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có quyền phê duyệt các công trình cũng cần làm tốt vai trò của mình, tất cả để tránh hoặc giảm thiểu tình trạng cứ có mưa bão, các công trình giao thông lại bị sạt lở.

Bài và ảnh: TRẦN  LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.