.

Tan hoang Trường Định!

.

Chiều ngày 29-9, sau khi bão số 9 tan, người dân ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, cuộc sống ở nhiều nơi bắt đầu trở lại bình thường. Thế nhưng, ít ai biết được hiện vẫn còn 220 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên (Hòa Vang) đang sống trong cảnh khốn khó, do bị cô lập với bên ngoài trong suốt 3 ngày qua. Không chỉ có bão, người dân nơi đây còn phải gánh chịu trận lũ kinh hoàng!

Sau trận lũ, cây cối ngã đổ khắp nơi, bùn non ứ đọng, nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao.     Ảnh: NGỌC ĐOAN

Trưa ngày 30-9, chúng tôi lần theo con đường núi độc đạo nối từ đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan để đến thôn Trường Định, nhưng do mưa gió những ngày qua đã làm con đường sạt lở nặng, cây cối đổ ngổn ngang trên đường, không thể đi được. Cuối cùng, chúng tôi đành quay xe ra bến đò và quyết định đến thôn bằng đường sông. Chờ khoảng 20 phút, cuối cùng chúng tôi nhờ người đàn ông tên Trung làm nghề đánh cá trên sông chở đến thôn.

Sống cảnh màn trời, chiếu đất

Sau khoảng 15 phút vượt qua con sông Cu Đê rộng hơn 100m, nước cuồn cuộn chảy xiết, hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi đặt chân vào thôn là bùn non nhão nhoẹt khắp nơi, cây cối đổ ngổn ngang trên đường. Trước mắt chúng tôi là một ngôi làng tan tác, xơ xác, chẳng còn gì. Không giấu được vẻ bàng hoàng trên nét mặt, bà Ngô Thị Xí, trú tổ 2 kể: 12 giờ đêm 28-9, bão số 9 bắt đầu đổ bộ vào thôn, những trận gió lớn liên tục thổi, mái nhà của bà con trong xóm lắc rung bần bật. Lúc sau, nghe tiếng của tôn bay vèo vèo, cây cối đổ ầm, khiến hai vợ chồng và ba đứa con ngồi trên gác mà cứ phập phồng lo sợ.

Khoảng 30 phút sau, mái nhà tôi bị gió thổi bay mất tôn. Bên dưới, nước lũ tràn vào nhà, rồi cứ dâng cao đến hơn 1,5m. Cả nhà hoảng hốt chỉ còn biết ngồi ôm chặt nhau. Trời mưa xối xả, ai nấy cũng ướt đẫm, lạnh run.

Những thùng mì tôm cứu trợ kịp thời của UBND xã Hòa Liên và các nhà hảo tâm giúp bà con ấm lòng qua cơn bão, lũ.

 

Thùng mì tôm và nồi cơm nấu dự trữ lúc chiều bị ướt, cả nhà nhịn đói. Dứt lời, bà Xí òa khóc như một đứa trẻ lên 5 khiến chúng tôi cũng rơm rớm nước mắt. May sao, đến 22 giờ ngày 29-9, nước lũ rút ra khỏi sân, chồng bà mới lội sang hàng xóm xin được hai gói mì tôm về để cả nhà lót dạ. Từ hôm bão làm tốc mái nhà đến nay, hai vợ chồng và 3 đứa con trải bạt ngủ tạm trong nhà. “Mưa gió thì cũng ráng mà chịu, chứ biết làm sao bây chừ”, bà Xí than thở.

Cách đó không xa, hoàn cảnh vợ chồng anh Hồng Bình cũng bi đát không kém. Trước bão, vợ chồng anh đã chằng chống nhà cửa cẩn thận. Tuy nhiên, 20 giờ ngày 28-9, gió đã làm nhà anh tốc hết mái. Anh Bình cùng vợ con, trong đó có đứa con mới tròn 1 tuổi phải đứng giữa cầu thang lửng (cầu thang làm sẵn để sau này xây lên gác).
 
Khuya, nước lũ tràn về dâng cao lên tận nửa nhà. Cả nhà anh vừa lạnh, vừa đói, tội nhất là đứa nhỏ sợ không chịu nổi cái đói, rét. Vợ anh Bình nói trong nước mắt: “Tôi cứ tưởng cả nhà đã chết, vì thấy nước dâng cao, trong khi đó, trên đầu gió cứ thổi mạnh, tôn bên ngoài bay vù vù rất ghê sợ.”. Cho đến hôm nay, khi chúng tôi đến, vợ anh Bình cũng không thể tin nổi là mình đã sống, vượt qua cơn bão, lũ khủng khiếp này. 

Cảnh làm chúng tôi xúc động hơn cả chính là gia đình bà Mai Thị Ngọ (68 tuổi). Hai mẹ con bà vay mượn 30 triệu đồng xây được ngôi nhà chưa đầy 5 năm, nay bão đã đánh sập trong sáng 29-9. Rất may gia đình bà không ai bị thương tích. Nhà sập, anh Phan Đình Phúc (32 tuổi), con trai bà, đã cõng bà đến nhà hàng xóm trú ẩn.

Gặp chúng tôi, bà Ngọ nghẹn ngào nói: Tội lắm mấy chú ơi! Ngôi nhà sập tan hoang, mấy ngày ni mẹ con tui phải đi ngủ nhờ bà con xóm giềng, nhịn đói nhịn khát. Thân già này làm sao chịu nổi. Buồn nhất là mấy tấm bằng Tổ quốc ghi công của các anh, chị, em và tấm Bằng công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng (của mẹ ruột bà) đã ướt sũng. Nhìn lên căn nhà bị đổ, bà khóc nức nở, nước mắt chảy dài xuống đôi gò má  nhăn nheo...

Chúng tôi được một người dân trong thôn dẫn đi xem khắp xóm trên đến xóm dưới, cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Cần lắm sự sẻ chia

Bà Mai Thị Ngọ ngồi khóc trước căn nhà bị bão số 9 đánh sập.  Ảnh: Ngọc Đoan

Do bị nước lũ nên hiện nay, hầu hết các giếng đào trong thôn đã bị ô nhiễm, tuy nhiên, do không có nước uống nên người dân phải dùng để nấu ăn và giặt giũ. Bà Hồ Thị Liễu (54 tuổi), trú tổ 3 nói: Chú nhìn nè, nước đục ngầu, nhưng người dân phải cố mà dùng chứ chẳng biết lấy nước đâu để uống.
 
Theo ông Võ Văn Thành, Trưởng thôn Trường Định cho biết, toàn thôn có 220 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu. Sau bão, có 45 nhà tốc mái hoàn toàn, 13 nhà bị sập, 140 nhà bị tốc mái 50%, 45 hộ có nhà tốc mái và bị sập một phần. Nhiều người dân bị thiếu đói, do thức ăn dự trữ bị ướt, nước lũ cuốn trôi. Nhưng khổ nhất hiện nay là toàn thôn không có điện, các giếng nước đã bị ngập lụt rất bẩn, nhưng người dân phải dùng để ăn uống, sinh hoạt nên nguy cơ dịch bệnh rất cao.

Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của người dân, trong sáng ngày 30-9, anh Nguyễn Hữu Hoàng, ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đã cứu trợ khẩn cấp 230 thùng mì tôm để người dân thôn Trường Định sử dụng. Bà Mai Thị Ngọ bưng bát mì tôm mà nghẹn ngào trong nước mắt: “Sống đến tuổi này rồi mà chưa thấy cơn bão nào khủng khiếp như thế…” Trong chiều cùng ngày, một số nhà hảo tâm cũng đã đến cứu trợ mì tôm, nước uống cho người dân nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, ngày 30-9, UBND xã đã hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân thôn Trường Định 30 thùng mì tôm và nước uống để bà con sử dụng tạm. Tiếp đó, UBND xã sẽ có phương án hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Bà Huỳnh Thị Thưởng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trường Định cho biết, chiếc đò dùng vào việc đưa người dân qua sông hằng ngày đã bị nước lũ nhấn chìm.

Trong lúc xảy ra bão, lũ, ở thôn có nhiều trường hợp bị bệnh nặng, bị thương nhưng không thể đưa đi cấp cứu được. Đến sáng ngày 30-9, người dân mới thuê đò đưa được 3 trường hợp sốt, bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện. Đến chiều ngày 30-9, thôn Trường Định vẫn bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.


NGỌC ĐOAN-NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.