Sáng 21-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật thuế tài nguyên. Dự thảo Luật thuế tài nguyên trình Quốc hội gồm 4 chương, 12 điều, quy định về đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên
Cần có chính sách khai thác hợp lý nguồn tài nguyên
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đánh giá: 3 vấn đề đối tượng tính thuế, căn cứ để tính thuế và miễn giảm thuế là những vấn đề quan trọng nhất cần phải quy định cụ thể trong dự án Luật. Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật thuế tài nguyên được thảo luận, thông qua tại một kỳ họp nên phải xem xét các vấn đề cụ thể, thấu đáo.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận tại tổ (Ảnh: Hữu Hoa) |
Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh của dự án gồm đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên là quá sơ sài, chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các vấn đề. Quy định về đối tượng chịu thuế bao gồm 8 nhóm, trong mỗi nhóm được chi tiết ra một số loại tài nguyên. Đại biểu cho rằng, cách quy định trên chưa bao quát hết các loại tài nguyên, chưa chi tiết và rõ ràng, có thể dẫn đến khó khăn trong tiếp cận và thực thi pháp luật.
Đại biểu Đặng Khôi Nguyên (Hà Nội) bày tỏ quan điểm tán thành với Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, việc ban hành Luật thuế tài nguyên phải tạo công cụ quản lý vĩ mô quan trọng để một mặt khai thác tốt nguồn lực tài nguyên phục vụ quá trình phát triển kinh tế, mặt khác, bảo đảm quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo; góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Tập trung thu thuế đối với các loại tài nguyên quý của quốc gia. Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng) cho rằng, đối với đánh bắt xa bờ, nên miễn thuế để khuyến khích ngư dân. Đối với nước sinh hoạt, hiện nay giá nước tại một số địa phương đã cao, nếu quy định thu thuế sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Đối với thủy điện, cách thức thu thuế tài nguyên nước thế nào cũng là vấn đề cần được xem xét thấu đáo. Về mở rộng đối tượng chịu thuế, theo đại biểu, vàng sa khoáng hiện nay khai thác được khá nhiều, nếu quản lý thu thuế tốt thì sẽ rất hiệu quả, do vậy cần quy định cách thức thu thuế đối với loại tài nguyên này. Đồng thời, đại biểu đề nghị luật cần điều chỉnh theo hướng tập trung thu thuế đối với các loại tài nguyên quý của quốc gia. | |
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định) cho rằng, xu hướng của thế giới và các nước có chiến lược sử dụng tài nguyên hiện nay là không khai thác tài nguyên trong nước mà đi mua ở bên ngoài để sử dụng, thậm chí là mua về để tích trữ. Do vậy, trong luật dự thảo Luật Thuế Tài nguyên cần thể hiện được chủ trương mang tính chất định hướng này, nếu không khi Luật ban hành và có hiệu lực sẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai người đó khai thác làm cho nguồn tài nguyên trong nước sẽ cạn kiệt.
Giao Chính phủ thẩm quyền quyết định mức thuế suất là không hợp lý
Về thuế suất, nhiều đại biểu tán thành quan điểm của Ủy ban Tài chính - ngân sách, cho rằng việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, về thẩm quyền quy định mức thuế suất cụ thể giao cho Chính phủ là không hợp lý. Bởi bản chất của thuế suất thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước. Khuyến khích hay không khuyến khích là ở mức thuế suất. Cái gì nằm trong khung, nhóm nên để Quốc hội quyết định.
Theo đại biểu, khung thuế suất quy định trong dự thảo luật quá rộng, rất dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình áp dụng luật trong thực tế. Đại biểu đề nghị chỉ nên quy định một mức thuế suất nhất định trong luật. Chẳng hạn đối với tài nguyên là than, vàng cần quy định một mức thuế suất, không nên để khung quá rộng như dự thảo. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần liệt kê thêm các đối tượng chịu thuế tài nguyên trong luật, không nên chỉ dừng lại ở 7 loại đối tượng như dự thảo là quá ít, vì tài nguyên thiên nhiên của nước ta rất phong phú, tránh dẫn đến lỗ hổng trong luật về đối tượng phải chịu thuế tài nguyên, dễ dẫn đến thất thu tiền thuế cho nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng), về nguyên tắc, luật nâng từ pháp lệnh lên thì phải đầy đủ, rõ ràng, chi tiết hơn pháp lệnh. Tuy nhiên, dự thảo luật có một số vấn đề chưa thật sự hợp lý. Đại biểu đề nghị, về thuế suất đối với các loại tài nguyên như dầu thô, khí thiên nhiên, khí than đều phải do Quốc hội quyết định khung thuế suất, còn mức thuế suất cụ thể giao Chính phủ.
Các đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu), Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị làm rõ thẩm quyền quy định các loại thuế là của Quốc hội hay của Chính phủ. Dẫn Điều 84 Hiến pháp năm 1992 và Điều 1 Nghị quyết số 51 của Quốc hội sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đều khẳng định, việc sửa đổi hoặc bãi bỏ một số loại thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Thuế Tài nguyên, thì có vẻ như Quốc hội chỉ quy định một số điều rất sơ lược, còn lại đều giao cho Chính phủ. Trong khi yêu cầu đặt ra là chính sách thuế phải luôn ổn định, hạn chế việc sửa đổi. Nếu đưa ra lý giải cho việc sửa đổi là do tình hình biến động, tài nguyên mới xuất hiện, hay việc Quốc hội một năm họp 2 kỳ không kịp thời điều chỉnh… là không chính đáng.
ĐNĐT - TTXVN - VOVnews