.
THẢO LUẬN VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HAI DỰ ÁN LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP:

Làm luật cho các đối tượng luật nêu được hưởng chứ không phải ưu đãi cho nhà đầu tư

.

(ĐNĐT) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung (SĐBS) một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp còn đơn giản, làm quá gấp gáp; có cảm nhận để cho nhà đầu tư được hưởng hơn là cho các đối tượng chính sách mà luật nêu được hưởng
 
    Đó là những ý kiến nổi bật tại phiên thảo luận tổ chiều 26-10 về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh.

Các ĐBQH thảo luận ở tổ

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận tính cấp thiết của việc ban hành Luật SĐBS các dự án luật trên theo trình tự rút gọn; tính hợp lý của quy định hạ thuế suất thuế GTGT hiện hành từ 10% xuống còn 5% đối với nhà ở cho sinh viên, học sinh, công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp; tính hợp lý của quy định đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp ở mọi địa bàn trong cả nước đều được hưởng ưu đãi về thuế TNDN với mức ưu đãi cao nhất; việc áp dụng ưu đãi thuế cho dự án đầu tư mở rộng thuộc địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư như dự án thành lập pháp nhân mới và khả năng quản lý để tránh lợi dụng gian lận thuế.

Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng, dự án luật này được xây dựng thiếu cơ sở khoa học, bởi đi kèm tờ trình của Chính phủ không có báo cáo đánh giá tác động cũng như thiếu các dự báo về nhu cầu nhà ở thực tế và động cơ của doanh nghiệp trong việc đầu tư các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Giải thích việc không tán đồng với việc đưa ra hai dự thảo luật này, đại biểu  Mỹ Hương đưa ra 3 lý do: Thứ nhất, theo khuynh hướng chung, việc cải cách hệ thống thuế phải ngày càng đi theo hướng tách bạch giữa chính sách thuế và chính sách xã hội. Nhưng việc miễn giảm này đi ngược lại với xu hướng chung. Thứ hai, trên thực tế rất khó tách bạch giữa chi phí hiện tại của doanh nghiệp và chi phí của những dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Do vậy, việc quy định như dự thảo sẽ tạo một kẽ hở rất lớn cho doanh nghiệp trốn thuế. Thứ ba, chính sách này thể hiện sự ưu việt của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, chính sách đó chỉ có ý nghĩa khi nó đi đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Với việc quy định hiện tại, đại biểu Mỹ Hương e rằng, người được thụ hưởng chính là các nhà đầu tư. "Nếu thực hiện không đúng mục đích mà chúng ta đặt ra, ngân sách nhà nước thì thất thu nhưng chính sách không đến được người thụ hưởng", đại biểu Hương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) thống nhất ý kiến mà các đại biểu đã phát biểu, cho rằng thật ra chính sách này cũng khó đi đến người được thụ hưởng, thông qua luật này thì thất thu thuế của nhà nước nhưng người thụ hưởng thì không được thụ hưởng là khá vô lý.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, bà cảm nhận rằng sửa hai luật này để cho nhà đầu tư được hưởng hơn là cho các đối tượng chính sách mà luật nêu được hưởng. Dự thảo đơn giản quá, đại biểu thấy không có đủ cơ sở đồng ý với dự thảo, vì có vẻ ưu đãi cho nhà đầu tư.

Theo bà Lan, quy định về chính sách sao cho các đối tượng được hưởng thì luật không quy định. Nên có chính sách cho các trường tự xây dựng nhà ở cho sinh viên sẽ thiết thực hơn. Đại biểu cho rằng việc làm hai luật này là không hợp lý và không có cơ chế để bắt buộc các nhà đầu tư phải thực hiện ưu đãi cho các đối tượng cần ưu đãi. Cần quy định một cơ sở nào đó để các đại biểu thấy là làm luật này cho các đối tượng luật nêu được hưởng chứ không phải ưu đãi cho các nhà đầu tư. 

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) cho rằng, chúng ta đã có chủ trương rất lớn là lấy tiền đầu tư trái phiếu của Chính phủ để xây dựng ký túc xá sinh viên, chính sách về đất đai… Đại biểu đặt vấn đề: Hiện nay có rất nhiều cá nhân bỏ tiền ra xây nhà cho sinh viên, công nhân thuê để ở thì tại sao chúng ta không nghĩ đến các đối tượng này mà chỉ khuyến khích các doanh nghiệp. Đây cũng là vẫn đề không hợp lý. Tiêu chí xác định các đối tượng được hưởng chính sách này cho đến nay vẫn chưa có, quy trình sửa đổi bổ sung các luật này cũng chưa được, mục đích sửa luật cho các đối tượng thụ hưởng không đạt, đồng tiền lại chảy vào túi các doanh nghiệp.

"Về hậu kiểm, chúng ta vẫn cứ nói sẽ hậu kiểm nhưng có kiểm tra được đâu. Lúc nhận dự án thì chủ đầu tư hứa hẹn nhiều vấn đề nhưng đến lúc không thực hiện được lời hứa thì cũng không có chế tài xử lý", do đó, ông Chiến đề nghị là chưa cần thiết sửa luật.

Về quy trình làm hai luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, quá gấp gáp. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 không có nội dung SĐBS các luật này. Về quy trình, cuối tháng 9, Chính phủ mới trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến SĐBS hai dự án luật này. Vì vậy, đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, "chúng ta còn có sự dễ dãi trong công tác làm luật". 

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.