.

“Thấy mình có duyên với trẻ con”

.

Sau một năm tiếp cận những kiến thức mới mẻ về căn bệnh tự kỷ - một dạng bệnh thường xuất hiện trong những năm đầu đời của trẻ - bác sĩ Trần Thị Hải Vân, khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cùng 3 cộng sự đã giúp hàng chục em biết bật lên tiếng nói, biết bày tỏ cảm xúc sau bao năm dài chờ đợi của gia đình.

Bác sĩ Hải Vân dùng bánh làm vật củng cố để khuyến khích trẻ.

Chứng kiến những giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc của các bậc phụ huynh, chị hiểu mình cần bước tiếp con đường gian nan nhưng đầy hạnh phúc, đó là giúp cải thiện các mối quan hệ xã hội, ngôn ngữ, thói quen… ở trẻ bị bệnh tự kỷ. Giữa tháng 10 năm nay, chị vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố bầu chọn là 1 trong 50 phụ nữ thành đạt năm 2009.

Những thiên thần bất hạnh

Bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng Khoa Tâm thần trẻ em gọi trẻ bị bệnh tự kỷ là những thiên thần bất hạnh. Chị cho biết, hầu hết trẻ tự kỷ là những em có gương mặt rất sáng, dễ thương, nói chung là có hình thức đẹp. Phần đông các em khi được đưa đến bệnh viện đều được người nhà trang bị một máy trợ thính. Các em sống thu mình trong thế giới riêng, không chú ý đến mọi sự xung quanh. Thực tế, qua kiểm tra, tai các em vẫn có thể nghe được, nhưng cái chính là trẻ không chú ý đến sự tác động của mọi người. Chị còn gọi các em bằng một cái tên thân thương khác là Búp bê di động.

Phòng Tự kỷ có cái gì đó na ná lớp mẫu giáo với nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, nhà banh, bàn ghế thấp, đồ chơi màu sắc. Tuy nhiên, bài học dành cho các em không là những trò chơi, bài hát thông thường như bao bạn khác mà chủ yếu tập trung cải thiện những khiếm khuyết.

Một năm qua, đã có 41 trẻ em tham gia điều trị tại đây. Các em có độ tuổi từ 3-5, lớn nhất là 12 tuổi. Không phải tất cả trẻ tự kỷ là người bị bệnh chậm phát triển trí não. Một số em có năng khiếu đặc biệt ở một lĩnh vực nào đấy. Chị giới thiệu những bức tranh sinh động trên tường là do trẻ tự kỷ vẽ. Có em đạt chỉ số IQ gần như tuyệt đối, điểm học trên lớp có 10 mà không có 9.

Tuy nhiên, em này chỉ chơi với bản thân mình, còn mọi người xung quanh trong mắt em đều thuộc loại “không xứng đáng”. Bác sĩ Vân kể: “Tôi kiểm tra tình trạng của em bằng những trắc nghiệm tâm lý, ví dụ như: “Con ăn cơm chưa?”. Em trả lời: “Thưa cô, cơm nhà con là do mẹ con nấu. Mà mẹ con thì đi làm tới 11 giờ trưa mới về. Bây giờ chưa đến 11 giờ. Có nghĩa là mẹ con chưa nấu cơm. Vậy thì chưa có cơm cho con ăn nên con chưa ăn cơm”. Chị nói thêm: “Ai có thể chịu đựng nổi nếu ngồi nói chuyện với em suốt một ngày”.

Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn

Ôm đôi má núng nính của một cậu bé, bác sĩ Vân hướng mắt em vào bức tranh và hỏi nhẹ nhàng: “Con nói cho cô đây là con vật gì?”. Cậu bé loay hoay một hồi rồi bật tiếng: “Con voi”. “Đúng rồi, con giỏi quá!”, chị vừa khen vừa lấy một chiếc bánh đút vào miệng bé. “Bánh, đồ chơi, nói chung những món trẻ thích nhằm khen và khuyến khích sự tiến bộ của trẻ”, chị giải thích.

Theo bác sĩ Hải Vân, hầu hết ánh mắt của trẻ tự kỷ đều không được tập trung vào một điểm cố định. Do đó, bài học đầu tiên người hướng dẫn thực hiện với trẻ tự kỷ là ngồi đối diện, ôm đầu các em điều chỉnh đôi mắt bé nhìn thẳng vào gương mặt mình.

Đối với trẻ gặp khó khăn ở mặt ngôn ngữ, người huấn luyện sẽ tập trung hướng dẫn các em phần nói. Có bé đã lên 3 tuổi mới bắt đầu những tiếng “a”, “ạ”.

Số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ không ngừng tăng, một phần do di truyền, ô nhiễm chất hóa học, do tổn thương não thực thể (mẹ mang thai bị nhiễm siêu vi, đẻ non, bé bị ngạt), một phần khác rất quan trọng bắt nguồn từ lối sống hiện đại. Các gia đình thiếu người chăm sóc con nên suốt ngày bé chỉ biết mỗi một người giúp việc, hoặc cha mẹ tưởng đầu tư cho bé một căn phòng đầy đủ tiện nghi để con thỏa thích với thế giới riêng là đủ.

Vẫn còn những cái nhìn kỳ thị đối với trẻ đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần. Mặc dù đưa trẻ đến điều trị tại đây không hề mất tiền, song nhiều  gia đình nghe hai chữ “Tâm thần” là sợ nên giấu bệnh của con. Một số cha mẹ lại quá sốt ruột về kết quả của bé nên không đủ kiên nhẫn theo đuổi. Thực chất, bệnh tự kỷ chưa thể khỏi hoàn toàn, song sẽ có sự tiến triển khi trẻ được điều trị sớm và có sự kiên trì liên tục tập luyện cả đời.

Người “bác”mến thương của trẻ thơ

Dù đã có nhiều năm tham gia điều trị cho các em nhỏ tại Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thị Hải Vân vẫn tự nhận mình bị “quớ” (lúng túng) khi thành lập phòng chuyên can thiệp-giáo dục hành vi và chữa trị bệnh nhân tự kỷ.

Quyết định thành lập Phòng Tự kỷ là một sự táo bạo, bởi chị chưa được đào tạo chuyên sâu về loại bệnh này. Nhưng trước nhu cầu bức thiết của các gia đình và xã hội, chị quyết tâm vừa làm vừa học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

Thấy “bác” Vân đến, đứa trẻ nào cũng mỉm cười, đưa tay “bác” nắm hoặc sà vào lòng “bác”. Trẻ con hay sợ bác sĩ, nhưng với chị Hải Vân, trước mắt các em, chị như một người mẹ, người bác thân thương trong gia đình. “Chào con gái. Con trai vào đây với bác”, “Cái đầu đẹp của con đâu? Đôi mắt dễ thương của con đâu, chỉ bác coi nè?”. Hỏi như vậy đôi khi trẻ sẽ cảm nhận sự tự hào ở bản thân mình”, chị lý giải.

Vừa là bác sĩ giỏi, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền với hàng loạt các công trình nghiên cứu khoa học, bác sĩ Hải Vân còn là giọng ca Vàng của ngành nên chị không quên vận dụng “tuyệt chiêu” này để lấy lòng trẻ con. Chị chia sẻ: “Những lời ru dường như có sức lay động đặc biệt với tâm hồn trẻ thơ. Mỗi lần các em quấy, tôi ôm bé vào lòng cất tiếng ru à ơi, bỗng bé im lặng, lắng dịu”.

Ký sự nhân vật của THU HOA

;
.
.
.
.
.