.

Thủy tai

.

Những năm gần đây, biến đổi khó lường của khí hậu cộng với tác động của con người đến môi trường sống đã khiến cho hậu quả của thiên tai ngày càng nặng nề. Trong đó, “giặc thủy” là một trong những loại thiên tai gây ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến cuộc sống của người dân.

Những cánh rừng nguyên sinh bị chặt phá, những tấm lá chắn xanh của con người đang ngày một bị hủy hoại... là hậu quả nhãn tiền của những  đợt lũ, lụt trong thời gian qua. (Ảnh tư liệu)

Hậu quả nhãn tiền của những đợt lũ, lụt trong thời gian vừa qua ở các tỉnh miền Trung suốt từ Quảng Bình, Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi, Kon Tum cho thấy, “thủy tai” có một sức tàn phá ghê gớm. Thiệt hại về tính mạng con người là điều đáng tiếc nhất và song hành là những mất mát về của cải, về tinh thần mà phải một thời gian dài chúng ta mới có thể khôi phục lại.

Đối với khu vực miền núi, lũ quét với sức tàn phá dữ dội khiến cho con người không có thời gian để phòng ngừa, để tìm nơi trú ẩn. Lũ vùi lấp nhà cửa, nhân mạng dưới những lớp bùn đất, san bằng những khu nhà tưởng chừng có thể là nơi sinh sống lâu dài của người dân. Trong khi đó, tại những vùng đồng bằng, nước lũ về khiến mực nước sông dâng cao nhanh đến bất ngờ. Câu chuyện lụt lớn xảy ra năm 1964 trong ký ức của nhiều người bây giờ cũng chẳng thấm vào đâu so với đợt lũ, lụt trong cuối tháng 9 vừa qua, nhất là tại khu vực hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Thủy tai không chỉ đơn thuần là những cơn mưa như trút nước nữa mà kéo theo đó là lũ, lụt cuốn trôi, ngập trắng khắp nhiều vùng, từ trung du, miền núi đến đồng bằng ven biển. Chứng kiến sự tàn phá ngày càng dữ dội của “giặc thủy”, lại một lần nữa con người đi tìm nguyên nhân, vì đâu mà những năm gần đây thiên tai diễn ra với cường độ mạnh và mật độ dày như vậy. Trước đây, vài chục năm mới có một đợt lũ lụt kinh hoàng nhưng bây giờ, một vài năm đã xảy ra. Tại

vì đâu?

Phải chăng do bàn tay con người? Những cánh rừng nguyên sinh bị chặt phá, những tấm lá chắn xanh của con người đang ngày một bị hủy hoại chỉ để phục vụ nhu cầu của thiểu số. Khắp các vùng núi dọc khu vực miền Trung, thoạt nhìn bề ngoài thì cây xanh um tùm nhưng vén bức màn sau một lớp xanh mỏng manh đó là những khu rừng hoang trọc, ngổn ngang gốc cây bị chặt phá, cưa đổ.

Câu chuyện của những công trình thủy điện đã và đang được xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân gây tác động không nhỏ khiến cho “thủy tai” trở nên nguy hiểm hơn. Nếu có những công trình nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ chỉ ra hậu quả lâu dài về việc thay đổi dòng chảy, lưu lượng nước của một số công trình thủy điện.

Ngay cả trong những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, người dân nội thành bây giờ cũng không còn an tâm như trước. Lụt lội ngay giữa phố xá đông đúc là sự cảnh báo cho tình trạng quy hoạch đô thị ngày nay. Những dự án thiết kế với cách nhìn hạn hẹp, với dự toán không tính đến sức tàn phá nặng nề nhất của thiên tai cộng với sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch, khớp nối dự án đã khiến cho đô thị hiện đại dần mất đi lợi thế an toàn trước “giặc thủy”.

Chỉ tại “ông Trời”! Có lẽ nhiều người đổ tại Trời, tại khí hậu biến đổi nhanh quá, tại trái đất đang ấm dần lên nên “thủy tai” mới ngày càng dữ dội như vậy. Nhưng tận gốc của vấn đề, phải chăng chính là ở tác động của con người đối với môi trường thiên nhiên! Trong quá trình phát triển hiện nay, địa phương nào cũng khẳng định những kế hoạch phát triển theo hướng bền vững. Nhưng sự bền vững cho các thế hệ sau có thực sự được bảo đảm trong khi thế hệ hiện tại đang tự tàn phá môi trường sống của chính mình?!

“Thủy tai” sẽ ngày thêm nguy hiểm và câu chuyện về “Đại hồng thủy” sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta không nhìn nhận một cách nghiêm khắc những hậu quả do con người gây ra. Liệu có đủ nhân tâm, nhân lực để ngăn chặn những hành vi hủy hoại môi trường, để xây dựng một kế hoạch bền vững cho tương lai lâu dài hay không thì vẫn còn là một bài toán khó!

HÀ AN

;
.
.
.
.
.