.

Từ nhà máy đường đến trường đại học

Giáo dục đại học là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong vòng 10 năm qua, số lượng sinh viên (SV) của nước ta tăng lên rất nhiều, đi kèm với đó là hệ thống các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa. Xem ra, kinh doanh giáo dục được đánh giá là siêu lợi nhuận. Nhưng, có một thực tế, việc thành lập trường đại học không khác gì chuyện xây dựng các nhà máy đường cách đây mấy năm... mà hậu quả của nó đến nay một số địa phương vẫn chưa giải quyết xong.

Nếu nhà máy đường, nhà máy bia đã lùi vào quá vãng, là lối tư duy quá cũ thì nay, nhiều địa phương bắt đầu chuyển hướng đầu tư  mới, đó là thành lập các trường đại học. Việc thành lập trường đại học nhằm đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí cho địa  phương thì quá đúng, quá hay! Bằng nhiều cách khác nhau, từ việc nâng cấp từ các trường trung cấp, cao đẳng, các trường đại học mặc nhiên ra đời - hợp pháp. Bên cạnh đó, nhiều ông chủ kinh doanh giáo dục tại các thành phố lớn cũng dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh trí thức này.
 
Chẳng mấy chốc mà ở nước ta, tỉnh nào cũng có trường cao đẳng - đại học. Điều đáng nói ở đây là chất lượng đào tạo, bởi mỗi SV đến trường, trung bình từ khi vào học đến khi ra trường chi phí không dưới 50 triệu đồng. Nếu đào tạo xong, ra trường không xin được việc làm, không đáp ứng được công việc chuyên môn thì quá lãng phí cho gia đình và cho xã hội.

Thiệt hại về vật chất và thời gian thì vô số kể. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học hiện nay tồn tại nhiều yếu kém về chuyên môn, điều kiện dạy học, đạo đức nghề nghiệp. Vậy lấy đâu ra chất lựơng đào tạo thành những trí thức có tay nghề cao tương xứng với đại học? Phải chăng các địa phương và Bộ Giáo dục-Đào tạo đang chạy đua thành tích trong việc mở rộng đào tạo đại học?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 376 trường ĐH, CĐ. Chỉ sau 22 năm (từ 1987 - 2009) số trường ĐH, CĐ đã tăng gấp 3,7 lần, tổng số SV tăng 13 lần (từ 133.136 SV năm 1987 lên hơn 1,7 triệu năm 2009). Trong khi đó số giảng viên chỉ tăng 3 lần, từ 20.212 lên 61.190 người. Tại hội nghị “Hội nhập quốc tế trong giáo dục ĐH Việt Nam - Vương quốc Anh” tổ chức giữa tháng 10, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho hay, cả nước có 376 trường ĐH, CĐ, nhưng chỉ có 330 giảng viên có chức danh GS, PGS. Nếu chia bình quân thì mỗi trường chưa đến 1 GS, PGS.

Nhiều trường đại học thành lập mà không có giảng viên đành phải kê khống để qua mặt cơ quan chủ quản. Chưa thành lập nhưng vẫn tuyển sinh viên, mới đây nhất là Trường Đại học Phan Thiết đã làm chấn động dư luận. Còn Trường ĐH Răng Hàm Mặt, sau 7 năm được mở nhưng trụ sở trường chỉ là một tầng trong khu nhà 4 tầng của Viện Răng Hàm Mặt, với tổng diện tích sử dụng khoảng hơn 300m2; Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, cơ sở Hà Nội - vừa được nâng cấp lên từ CĐ có diện tích chỉ 1ha/1 vạn SV, trung bình 1m2/SV (so với quy định tối thiểu của Bộ GD- ĐT đối với những trường học mới thành lập là 9m2/SV)...

Thiếu đội ngũ giáo viên chuyên môn, thiếu cơ sở vật chất nhưng vẫn khai sinh ra trường đại học làm cho dư luận không khỏi hồ nghi. Tình trạng “đại học dạy đại học” khá phổ biến tại nhiều trường, trong khi Bộ GD-ĐT đã quy định rõ, giảng viên dạy đại học phải có trình độ sau đại học… Nếu nhà máy đường hoạt động không hiểu quả thì bán phế liệu, còn trường đại học đào tạo SV kém chất lượng thì xử lý sao đây? Nếu đóng cửa, SV là người chịu thiệt hại, tổn thương nhiều nhất.

Trong bối cảnh nước ta đang thiếu những người thợ có tay nghề thì các trường đào tạo hệ đại học kém chất lượng là quá lãng phí nguồn nhân lực. Từ thực tế trên, đã đến lúc Bộ Giáo dục-Đào tạo phải quy hoạch lại hệ thống giao dục đại học và nên dẹp bỏ các trường đào tạo kém chất lượng, đồng thời mở rộng các trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Làm được như vậy, nền giáo dục nước ta trong đó có giáo dục đại học mới đi lên và bắt kịp với các nước trong khu vực.

Đỗ Vinh

;
.
.
.
.
.