Tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở đã diễn ra nhiều năm nay ở Đà Nẵng. Giải pháp khắc phục triệt để thì còn phải thực hiện lâu dài nhưng trước mắt, mỗi đơn vị tự tìm cho mình hướng đi thích hợp để duy trì tốt công tác khám chữa bệnh trong điều kiện thiếu bác sĩ.
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê. |
Bác sĩ Phạm Văn Tài cho biết, trước đây, tại trung tâm cũng có một số bác sĩ đến làm việc một thời gian nhưng rồi lại chuyển đi nơi khác, hoặc là chuyển lên bệnh viện tuyến trên hoặc ra làm tư. Bác sĩ Tài nhấn mạnh: “Theo quy luật “Nước chảy chỗ trũng”, vì nhu cầu cuộc sống, không ít bác sĩ tìm đến những cơ sở có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn”.
Hậu quả là đội ngũ bác sĩ ở các cơ sở y tế tuyến quận, huyện lúc nào cũng trong tình trạng thiếu hụt. Gần đây, việc trao quyền tự chủ về nhân lực và tổ chức cho các trung tâm y tế đã giúp giải quyết bớt những gánh nặng gây ra do thiếu bác sĩ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì đội ngũ bác sĩ hợp đồng thường không ổn định.
Đối với Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, số bác sĩ nhiều gấp đôi ở quận Ngũ Hành Sơn, 36 người, so với biên chế thì còn thiếu khoảng 9 bác sĩ. Điều đáng quan tâm là từ đầu năm 2009 đến nay, đã có 8 bác sĩ ở trung tâm này xin nghỉ việc để chuyển đi nơi khác. Một số chuyển lên bệnh viện tuyến trên, một số làm cho bệnh viện tư.
Bác sĩ Phan Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Khê tâm sự: “Quan điểm của chúng tôi là muốn có một đội ngũ cán bộ y tế giỏi, càng nhiều người giỏi càng quý. Tuy nhiên, giữ được người giỏi rất khó, trong khi môi trường và điều kiện làm việc ở tuyến y tế quận, huyện còn hạn chế”. Mặc dù thiếu bác sĩ nhưng trung tâm đã đưa ra những điều chỉnh phù hợp, làm sao vẫn phát huy tốt năng lực công tác của số bác sĩ hiện có. Bác sĩ Phan Thanh Phương cho rằng:
Thiếu bác sĩ không hẳn sẽ giảm chất lượng khám chữa bệnh ở trung tâm mà có khi còn ngược lại. Tại trung tâm, chúng tôi cần những người phục vụ dân, làm tốt công tác khám chữa bệnh chứ không phải là ngồi chơi xơi nước. Ít bác sĩ hơn trước nhưng mọi người tập trung, chuyên tâm làm thì công việc vẫn tốt.
Tính đến nay, mạng lưới y tế của thành phố Đà Nẵng đang ngày càng mở rộng. Một số bệnh viện, cơ sở y tế công và tư nhân được thành lập thêm, khiến cho nhu cầu về nhân lực y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ cũng gia tăng. Từ chuyện thiếu bác sĩ dẫn đến tình trạng cạnh tranh để lôi kéo bác sĩ về làm việc cho đơn vị mình ngày càng gay gắt.
Bác sĩ Phan Thanh Phương cho rằng: Quá thiếu bác sĩ sẽ tạo ra hai việc, một là sự lôi kéo, tranh chấp lao động thiếu lành mạnh và thứ hai là việc tuyển dụng lao động ào ạt, chất lượng lao động không cao. Thực tế hiện nay, không ít bác sĩ ở tuyến quận, huyện đã chuyển lên tuyến trên. Một phần chuyển đi do sự điều động của cấp trên nhưng phần lớn là từ sự thu hút, lôi kéo của những bệnh viện tuyến đầu.
Sự quá tải và áp lực công việc của các trung tâm y tế quận, huyện ngày càng nhiều, kể cả những công việc không tên. Có những cán bộ y tế không được đặt đúng vị trí xứng đáng và do vậy, chuyện chuyển đi chỉ là ngày một ngày hai. Bác sĩ Phan Thanh Phương cho biết: “Người ta kiên quyết ra đi, mình cũng đã động viên, phân tích để giữ lại nhưng không được thì buộc lòng chấp thuận cho họ ra đi. Ở tuyến y tế cơ sở, những ai không đi được chủ yếu là vì không có cơ hội, gắn bó vì trách nhiệm hoặc là người thực sự tâm huyết. Nếu không, có điều kiện tốt hơn, họ sẵn sàng dứt áo ra đi”.
Những năm gần đây, các trường đào tạo về nhân lực y tế đã mở rộng quy mô tuyển dụng, thực chất, cán bộ y tế ra trường không thiếu nhưng họ có chịu về những trung tâm y tế cơ sở hay không là chuyện khác.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có những chính sách nhằm khuyến khích xây dựng và nâng cao chất lượng của tuyến y tế cơ sở nhưng trên thực tế, y tế cơ sở vẫn chưa có một chỗ đứng thật sự vững chắc. Xây dựng mạng lưới y tế cơ sở rất quan trọng nhưng nếu những chính sách, cơ cấu tổ chức không được quan tâm đúng mức sẽ không phát huy tốt hiệu quả và câu chuyện thiếu bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở vẫn là một bài toán khó giải.
Bài và ảnh: Hà An