Bão số 9, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, 15 kèm theo lũ đặc biệt lớn, gây hậu quả hết sức nặng nề cho các địa phương ở miền Trung. Bên cạnh sự nỗ lực chủ động đối phó với bão lũ, vẫn còn quá nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác ứng phó.
Tàu vận tải bị mắc cạn do bão số 9. |
Đến 10 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc, 108,2 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Trị -Đà Nẵng 60 km về phía đông, sức gió và hướng di chuyển không thay đổi. Từ bản tin này, ai cũng cho rằng chiều 29-9 bão sẽ đổ bộ vào Quảng Trị hoặc ít nhất là Thừa Thiên-Huế. Cũng từ đó, 2 Đoàn công tác của Chính phủ đã có mặt tại các địa phương này trong ngày 27-9 để chỉ đạo công tác chống bão. Thế nhưng, bão lại không vào Quảng Trị mà đổi hướng, để rồi bất ngờ đổ bộ vào vùng giáp ranh giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi, gây thiệt hại hết sức nặng nề cho 2 địa phương này.
Điều đáng nói ở đây là tại thời điểm bão vào lúc tàn khốc nhất, tâm bão cách đất liền không xa thì dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ bị đứt quãng và tắt ngấm ngay sau bản tin lúc 10 giờ ngày 29-9. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành trong khu vực đều bất ngờ trước tình huống này và hoàn toàn mù thông tin về bão. Ông Văn Công Lưỡng, cán bộ Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố Đà Nẵng, người trực tiếp theo dõi diễn biến bão cho hay: Bản tin lúc 8 giờ ngày 29-9 bão đã đổi hướng từ Tây-Tây Bắc sang Tây- Tây Nam.
Tiếp theo đó, bản tin lúc 10 giờ ngày 29-9, với các số liệu vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ vĩ bắc, 109,2 độ kinh đông, sức gió vùng gần tâm bão cấp 12, 13, giật cấp 14, 15 di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Khi nhận bản tin này, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã lo ngại bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng.
Và đây là bản tin cuối cùng về cơn bão này. Đưa sổ nhật ký về bão, ông tiếp: Chờ mãi không có thông tin gì về bão, tôi đã ghi thêm 3 chữ: “lúng túng quá”. Kể từ đó, tại Đà Nẵng không ai, kể cả Trưởng ban PCLB&TKCN thành phố, biết được bão số 9 đang ở tọa độ nào, sẽ đổ bộ vào đâu? Trước tình huống bất thường đó, ông nói vui: “Bão số 9 đã mất tích trên biển Đông”. Và phải mãi đến 4 - 5 giờ chiều 29-9, khi bão đã ngưng gầm rít, qua thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam, mọi người mới hay bão đã đổ bộ vào 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Dự báo bão đứt mạch giữa chừng làm cho cơ quan chỉ đạo phòng chống bão không khỏi lúng túng. Đó là chưa nói, cập nhật không thường xuyên, chính xác diễn biến bão tại thời điểm bão sắp đổ bộ vào đất liền làm cho người dân vô cùng lo lắng, không chủ động xử lý tình huống. Tại Đà Nẵng, từ đêm 28-9 đến sáng 29-9, bão gầm rít liên hồi, gây nhiều tổn thất về người và nhà cửa. Thế nhưng, theo bản tin báo bão trước đó, ai cũng nghĩ gió mạnh vậy chứ bão chưa vào đất liền. Vẫn biết, diễn biến bão số 9 phức tạp khó lường, nhưng kiểu dự báo không có độ tin cậy cao như vừa qua không chỉ làm cơ quan chức năng mù thông tin về bão, gây khó khăn trong việc chỉ đạo đối phó mà người dân cũng rất chủ quan trong phòng tránh.
Mù thông tin về bão
Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 9 đang làm việc tại Đà Nẵng. |
|
Radio chạy pin là trang bị duy nhất tại thời điểm đó cho biết thông tin về bão, nhưng đáng tiếc thiết bị này không nhiều trong nhân dân. Từ việc mù thông tin về bão mà sáng 29-9, trong khi bão rất dữ dội, trên đường phố Đà Nẵng vẫn có nhiều người đi lại. Một số trường hợp thiệt mạng thương tâm trong bão một phần do mù thông tin về bão gây nên. Đây cũng là bài học đắt giá về việc chống bão. Cũng từ bài học này, cơ quan chức năng cần có giải pháp khả thi trong việc chuyển tải thông tin về bão đến người dân, ít ra cũng vào thời điểm bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU