.

Vài điều cần rút ra từ phòng, chống bão số 9 - Bài 2: Phương châm “4 tại chỗ”có đạt yêu cầu?

.

Trong công tác đối phó với bão số 9 và lũ đặc biệt lớn vừa qua, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” vẫn còn không ít vấn đề chưa đạt yêu cầu. Điều tốt nhất trong thực hiện phương châm này là sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. 

        >> Bài 1: Dự báo bão đứt mạch giữa chừng

Bờ kè chắn sóng biển bằng bê-tông dọc đường Nguyễn Tất Thành bị sóng đánh vỡ tan tành.

Chỉ trong chiều và đêm 28-9, toàn thành phố đã sơ tán 10.925 hộ với 33.920 người từ khu dân cư ven biển, các nhà không kiên cố đến nơi an toàn. Có thể nói đây là cuộc sơ tán quy mô lớn tránh bão mà khá an toàn và nhanh gọn. Nhờ vậy mà số người thiệt mạng do bão giảm ở mức thấp nhất. Việc tránh bão cho tàu thuyền cũng có chuyển biến đáng kể so với các cơn bão trước. Tuy vậy, phương châm “4 tại chỗ” ở đợt bão lũ này vẫn còn nhiều vấn đề cần đề cập tại một số địa phương. 

 Trước hết, nói về chỉ huy tại chỗ. Nếu các xã, phường, thôn, tổ triển khai việc đối phó đến nơi đến chốn ngay từ khi có Công điện khẩn của Chủ tịch UBND thành phố, sẽ không xảy ra tình trạng sáng 29-9 vẫn còn nhiều người phải sơ tán lúc gió bão mạnh nhất. Nếu có sự chỉ huy tại chỗ chu đáo, nhân dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên (Hòa Vang) không hoang mang, lo sợ như vậy khi lũ bất ngờ dâng cao sau đợt bão kinh hoàng.

Đối với phương tiện, trang thiết bị tại chỗ, có thể nêu ví dụ tại thôn Trường Định, chiếc thuyền duy nhất trước đó thường chở khách qua sông bị chìm, nên thôn có 262 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu này không còn chiếc ghe, thuyền nào để cơ động, khi lũ dâng cao, không phương tiện, không thông tin, không có sự chỉ đạo từ trên, ai nấy đều hoang mang, lo sợ.

Từ đây, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Trung ương, lãnh đạo thành phố nhận được nhiều điện thoại cầu cứu. Hoặc như tại các xã cánh đông Hòa Vang, lúc lũ lên cao không có ca-nô hoặc thuyền máy cho cán bộ chỉ đạo chống lũ và lực lượng xung kích đi lại. Khi nghe báo cáo về trang thiết bị như ca-nô, ghe máy tại đây quá thiếu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã lưu ý: Hòa Vang là địa bàn thường xuyên ngập lụt, cần có trang thiết bị chuyên dụng phục vụ chống lũ như ca-nô, xuồng máy. Nếu quá thiếu, có thể đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Trước đây, hễ lũ lớn, Hòa Vang, Cẩm Lệ yêu cầu thành phố điều động đội thuyền của quận Liên Chiểu đến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và chở hàng cứu trợ. Đợt lũ này, huyện Hòa Vang không yêu cầu, còn quận Cẩm Lệ vẫn phải dùng 2 chiếc của quận Liên Chiểu. Điều này chứng tỏ phương tiện, trang thiết bị tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu chống lũ của một số địa phương.

Về hậu cần tại chỗ, mặc dù phương án chống lũ tại các địa phương rất chi tiết cụ thể, trong đó bao gồm việc từng hộ chuẩn bị cơ số lương thực thực phẩm, nước uống đủ trong 7 ngày, thế nhưng lũ vừa dâng 1 ngày đã thấy nháo nhào về thiếu lương thực, nước uống. Không ít nơi công tác cứu trợ triển khai dồn dập ngay từ ngày đầu tiên lũ xảy ra.

Duy chỉ có huyện Hòa Vang không triển khai cứu trợ, bởi theo như ông Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch UBND huyện: Không cần thiết phải cứu trợ trong lũ. Vừa không thiết thực, vừa không công bằng và tạo tiền lệ ỷ lại của người dân. Theo ông, lũ nhiều lắm chỉ vài ba ngày. Chừng đó chưa ai bị thiếu đói. Mà cứu trợ cũng chỉ mì tôm, nước đóng chai, những thứ trước đó người dân chuẩn bị không khó.

Đối với lực lượng tại chỗ, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp và các đội xung kích địa phương, ban, ngành nào cũng thành lập khá bài bản. Tuy vậy, khi tình huống xảy ra, không ít nơi lực lượng xung kích không được tập trung. Có nơi chỉ một số cán bộ chủ chốt. Phương tiện thiếu, lực lượng mỏng là điều thường gặp ở khá nhiều phường, xã bị ngập sâu.

Thiệt hại nặng       

Sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

 

Bão số 9 và lũ lụt ở Đà Nẵng làm 7 người chết, 87 người bị thương, chìm 22 chiếc tàu, hư hỏng nhiều đê kè…, thiệt hại về vật chất ước 495 tỷ đồng.

Dư luận vừa qua cho rằng, cần xác minh chính xác nguyên nhân một vài trường hợp chết trong bão, để khi biểu dương thật sự có tác dụng, hoặc bằng không, có thể nêu bài học cho người khác biết rằng, không được ra đường khi bão đang đổ bộ... Cùng theo đó, liệu có nên hỗ trợ các tàu neo đậu trên sông Hàn bị chìm? Được biết khi bão vào đất liền, trên sông Hàn vẫn có đến 27 chiếc tàu còn neo đậu.

Trong khi chỉ thị nghiêm cấm neo đậu tàu lúc bão lũ trên sông Hàn đã thành pháp lệnh từ lâu và trước đó cơ quan chức năng đã kiên trì vận động, thậm chí đẩy đuổi đưa về âu thuyền Thọ Quang tránh bão. Rồi nữa, bờ kè ven biển dọc đường Nguyễn Tất Thành có tan hoang như vậy, nếu như chất lượng bê-tông đúng quy định? Đành rằng bão số 9 rất dữ dội, song so với bão Xangsane 3 năm trước thì còn kém xa, thế nhưng bờ kè bằng bê-tông dày nửa mét vẫn bị sóng đánh cho tơi tả. Ai sẽ chịu trách nhiệm về tổn  thất này, hay chỉ đổ lỗi cho thiên tai?

Thiên tai là quy luật của tự nhiên, tùy mức độ nhưng năm nào cũng xảy ra. Chỉ có điều con người sẽ đối phó bằng cách nào và đối phó như thế nào. Và thiệt hại nặng hay nhẹ, còn phụ thuộc vào năng lực phòng chống và ý thức trách nhiệm của con người. Hy vọng từ những vấn đề nêu trên, việc phòng chống bão lũ thời gian tới ở Đà Nẵng hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.