Tháng An toàn giao thông với chủ đề Văn hóa trong giao thông vừa khép lại, thế nhưng có thể nói rằng, mọi việc mới chỉ ở điểm xuất phát và còn rất nhiều việc phải làm.
Giao thông hỗn loạn thế này rất dễ xảy ra TNGT. |
Tổng cộng có 434 người nhập viện, trong đó đông nhất là ở độ tuổi từ 18 đến 59 với 280 người. Về phương tiện liên quan đến các vụ TNGT, có 331 mô-tô - xe gắn máy, 25 ô-tô, còn lại 78 các loại phương tiện khác. Đặc biệt, đáng nói trong số này có 9 trường hợp đội MBH, 8 trường hợp không đội MBH và 48 trường hợp có sử dụng MBH nhưng không đúng quy cách.
So sánh với các tháng trước cũng được ghi nhận tại bệnh viện, thì số bệnh nhân nhập viện vì TNGT ở mức trung bình, thậm chí có thấp hơn một ít. Tuy nhiên, về mức độ nguy hiểm của những ca TNGT thì chưa thấy có chuyển biến gì, nhất là các ca không đội MBH hoặc có đội MBH nhưng không đúng quy cách vẫn còn khá nhiều. Những con số này còn cho thấy TNGT không hề “khu trú” trong độ tuổi nào và loại phương tiện gì, mà gần như xuất hiện mọi lúc mọi nơi với đủ tình huống dẫn đến tai nạn.
Thực tế qua những gì quan sát của chúng tôi trong suốt Tháng An toàn giao thông vừa qua cho thấy, còn rất nhiều người ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ rất kém. Cho dù trên khắp trục đường phố treo đầy băng-rôn, khẩu hiệu kêu gọi mọi người hãy tự giác chấp hành luật khi tham gia giao thông. Yếu tố “văn hóa” trong giao thông gần như còn rất mờ nhạt, nếu như không muốn nói là… chưa có gì. Trên đường phố dễ dàng bắt gặp cảnh người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ như vượt đèn đỏ, lấn chiếm làn đường, phóng nhanh vượt ẩu, tự do băng qua đường mà không quan sát…
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố, đây là lần đầu tiên Tháng An toàn giao thông thực hiện với chủ đề Văn hóa trong giao thông, vì vậy để có ngay những kết quả thật tốt là điều rất khó. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, văn hóa giao thông cũng không có yêu cầu gì khác ngoài việc tham gia giao thông thì bắt buộc phải thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ. Vì vậy, kết quả chưa có nhiều chuyển biến trong Tháng An toàn giao thông là điều cần suy nghĩ.
Một khi công tác tuyên truyền vận động mọi người tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ không mang lại kết quả như mong đợi, thì xử phạt được coi là công cụ hữu hiệu để buộc mọi người thực hiện đúng luật. Trung bình mỗi năm, CSGT thành phố lập biên bản xử phạt cả chục ngàn trường hợp, thế nhưng thực tế cho thấy, biện pháp này vẫn chưa đủ sức răn đe mọi người.
Nguyên nhân chính ở đây vẫn được nhìn nhận là khung xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, nên không làm cho người tham gia giao thông phải nghiêm túc thực hiện luật. Đặc biệt là khung xử phạt đối với phương tiện là ô-tô vẫn còn rất thấp, dẫn đến tình trạng nhiều chủ phương tiện cứ vô tư vi phạm để rồi chịu nộp phạt (!). Tuy vấn đề này đã được khắc phục trong Luật Giao thông đường bộ mới, có hiệu lực từ tháng 7-2009, nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn mức xử phạt cụ thể, nên vẫn chưa xử phạt theo quy định mới.
Bên cạnh đó cũng thấy rằng, hạ tầng giao thông chưa bảo đảm, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng. Một ví dụ điển hình là trục đường Ngô Quyền, dù đưa vào sử dụng hơn 5 năm nay, thế nhưng đến nay ngành giao thông thành phố vẫn đang loay hoay chỉnh sửa. Đặc biệt, việc lưu thông trên tuyến đường gom của trục đường này luôn trong tình trạng rối tinh rối mù.
Theo tiêu chuẩn của ngành giao thông, giao thông đường hai chiều phải kẻ dải phân cách, với quy cách mỗi bên đường có chiều rộng từ 3,75 mét trở lên. Thế nhưng trục đường gom này chỉ rộng có 6 mét nên không thể kẻ vạch phân đường (nếu kẻ thì mỗi bên chỉ có 3 mét, không đủ tiêu chuẩn). Chính vì vậy khi lưu thông trên đường này, việc đi đúng làn đường không đơn giản.
Rất nhiều lý do có thể dẫn tới TNGT, thế nhưng đây là vấn đề liên quan đến sinh mệnh con người và cả vấn đề kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, rất cần sự đồng bộ trong việc đẩy lùi TNGT, từ các cơ quan chức năng đến bản thân người tham gia giao thông.
Bài và ảnh: Thanh Vân