“Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng điều chúng tôi muốn là dù bão đổ vào Đà Nẵng, nhưng thiệt hại có thể thấp nhất, giống như thể bão không vào Đà Nẵng, nhờ vào sự chủ động phòng, chống của chính quyền và người dân. Trong đó, ý tưởng của chúng tôi sẽ đóng góp một phần nhờ vào năng lực, trí tuệ và cả sự nhiệt tình của đội ngũ trí thức trẻ, doanh nhân trẻ” - Anh Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Đà Nẵng cho biết như vậy về việc triển khai thực hiện dự án “Bão không vào Đà Nẵng”.
Các thành viên sáng lập dự án đang thảo luận việc triển khai thực hiện. |
“Không có gì to tát lắm. Ý tưởng của chúng tôi chỉ đơn giản là các kỹ sư trẻ sẽ có giải pháp tiếp cận, tìm hiểu các ngôi nhà trong khu vực mình phụ trách, từ đó đưa lên diễn đàn, tìm kiếm cách thức phòng, tránh đơn giản, tiện lợi rồi tư vấn trực tiếp cho chủ nhà để họ thực hiện. Với những gia đình không có điều kiện, sẽ có phương thức để hỗ trợ, giúp đỡ họ trong quá trình thực hiện các giải pháp”-Anh Lê Văn Hiểu giải thích.
Cơ sở đầu tiên của dự án này chính là 10 nguyên tắc xây dựng nhà an toàn chống bão do DWF nghiên cứu đúc kết và ứng dụng, được Quỹ Xây dựng nhà ở xã hội thuộc Chương trình định cư Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng.
Trong đó, có việc chọn địa điểm thích hợp, xây dựng mái nghiêng với góc từ 30-45 độ, mái hiên tách rời phần nhà chính, gia cường hệ tam giác ngang và đứng của khung sườn, bảo đảm các tấm mái lợp được giữ chặt vào cấu trúc mái, kích thước các lỗ cửa ở tường đối diện, trồng cây... Đồng thời, những kinh nghiệm dân gian cũng sẽ được khai thác và áp dụng một cách phù hợp vào việc xây dựng, thiết kế nhà ở đô thị để phòng, chống bão. Nguồn nhân lực mở để thực hiện dự án này chính là sự góp sức của 200 hội viên Hội DNT thành phố với gần 5 nghìn kỹ sư trẻ, trong đó có gần 800 kỹ sư xây dựng.
Còn theo ông Trương Phước Ánh, Giám đốc Công ty Tin học Vietin, thì dự án này sẽ có những kỹ sư xây dựng làm trung tâm để tập hợp nguồn lực, huy động đóng góp ý kiến, vừa tập hợp ý kiến trong mạng (online) nhưng đồng thời tổ chức thảo luận, tư vấn trực tiếp (offline) để có sự hướng dẫn cho người dân trên từng căn nhà thực tế của họ. Việc động viên và đánh giá năng lực của các thành viên tư vấn cũng được thực hiện chu đáo và kịp thời để có tưởng thưởng xứng đáng, đồng thời có sự hỗ trợ tích cực để đưa các ý tưởng vào thực hiện trên thực tế một cách nhanh nhất.
“Dự án có thể sẽ dừng lại ở phạm vi tư vấn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn sẵn sàng và cần có sự phối hợp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để từng nội dung tư vấn đó được triển khai thực hiện, giúp cho người dân một cách thiết thực nhất” - Ông Trương Phước Ánh bày tỏ. Ý nguyện của họ chính là lập một kho dữ liệu và những lời khuyên của các kỹ sư chuyên ngành nhằm tư vấn cho từng ngôi nhà trên địa bàn Đà Nẵng đối phó với bão, giảm thiểu thiệt hại về người và của, để người dân Đà Nẵng luôn ở tâm thế sẵn sàng trong bão.
Bài và ảnh: ANH QUÂN