Đối với những cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong những năm tháng chiến tranh, những ký ức về tình đồng đội, về nhân dân các bộ tộc Lào và về cuộc chiến đấu đầy gian khổ lúc bấy giờ luôn thường trực trong tâm trí. Và họ mãi tự hào về những gì mình đã phấn đấu, hy sinh cho mối tình hữu nghị ngàn đời giữa hai nước Việt-Lào.
Những cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào vui mừng khi gặp lại nhau. |
Ông kể lại: “Lúc mới sang, tôi được phân công vào đội vũ trang tuyên truyền, sau đó làm thông tin, hậu cần… Người dân Lào lúc đầu chưa hiểu nên không tiếp bộ đội Việt Nam, tuy nhiên, hằng ngày chúng tôi cùng phát rẫy, trồng cây, giúp dân và dần dần họ tin tưởng vào quân tình nguyện, cái gì ngon thì dành cho bộ đội Việt Nam”. Còn với cựu quân tình nguyện Hồ Sĩ Đức, từng là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 27, tham gia tình nguyện quân tại Lào năm 1971 thì cuộc chiến tranh ở Lào lúc đó rất khắc nghiệt.
Ông nhớ nhất là những trận truy quét ngụy quân Lào. Sự phản kháng và đánh trả quyết liệt của bọn ngụy quân Lào đã khiến cho quân tình nguyện Việt Nam và quân cách mạng Lào gặp vô vàn hiểm nguy. Nhiều chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên đất bạn. Thế nhưng, theo lời ông Đức thì tất cả mọi người đều xác định: phải quyết tâm chiến đấu với kẻ thù, làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ được giao, bất chấp những hiểm nguy, gian khổ, mất mát, hy sinh luôn thường trực bên mình.
Trong các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, cả Việt Nam và nước bạn Lào đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngay trên đất Lào, những cuộc hành quân của các đội quân tình nguyện Việt Nam chủ yếu là trong các vùng rừng núi. Nhiều lúc đói cơm nhạt muối, phải ăn củ mài thay cơm, lấy rễ cỏ tranh thay muối, sốt rét rừng dày vò, anh em vẫn kiên trì bám địch.
Ông Phạm Thành Hân, cựu tình nguyện quân tại vùng Hạ Lào nhớ lại: “Có những cuộc hành quân, chúng tôi phải đi mất cả chục ngày, anh em khát cũng không có đủ nước uống. Đến khi gặp vùng lầy, nơi trâu bò lội tắm, bộ đội cũng phải múc nước bẩn đó để uống, thậm chí còn để dành mang theo. Lúc đó gian khổ lắm: sốt rét rừng, thú dữ, kẻ địch vây ráp… Khó khăn là vậy, nhưng không ai chùn bước cả”.
Cựu chuyên gia quân sự Việt Nam Phạm Lương Khải, tham gia giúp Lào từ năm 1966 đến cuối năm 1972 cho biết: “Lúc đó, chúng tôi xác định rằng, giúp Lào là bảo vệ cho chính Việt Nam, không có Lào thì cách mạng Việt Nam không thể thành công, hai đất nước gắn bó với nhau rất thân thiết. Vì thế, chúng tôi không kể hy sinh, gian khổ, giúp bạn một cách vô tư, nhiệt tình”.
Những chuyên gia quân sự như ông Khải đã tham gia tích cực vào việc huấn luyện quân sự cho quân đội cách mạng Lào, giúp bạn toàn diện về các mặt chính trị, quản lý nhà nước, quản lý ngân sách, cứu trợ lương thực, gạo, thuốc men… Lực lượng này không chỉ thực hiện công tác dân vận mà còn tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ an ninh cho các bản làng của nhân dân các bộ tộc Lào. Mỗi bản làng đều có một tổ chuyên gia quân sự để giúp bạn và kịp thời phát hiện những quân biệt kích, những kẻ phản động để đối phó.
Bằng tất cả lòng nhiệt tình, sự tận tâm và tình cảm yêu mến, gắn bó với nhân dân Lào, những chuyên gia quân sự Việt Nam cùng với các đoàn quân tình nguyện đã góp phần xây dựng lực lượng kháng chiến ở nhiều khu vực của nước bạn Lào, từng bước kết nối và liên hoàn thành những vùng giải phóng rộng lớn. Đến giữa năm 1975, để hậu thuẫn, hỗ trợ phía sau cho lực lượng Lào tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy giành độc lập, lực lượng tình nguyện Việt Nam với 3 vạn người đã hình thành thế chiến lược hậu bị, sẵn sàng đối phó với mọi phản ứng của Mỹ và tay sai.
Bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập, vượt qua những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, những đội quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã giúp bạn trên tất cả các lĩnh vực. Có người mãi mãi nằm xuống trên đất bạn, có người mang thương tật vĩnh viễn, nhưng lý tưởng cách mạng và niềm tin giải phóng cho đất bạn Lào đã tạo nên sức mạnh giúp các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết chiến, quyết thắng và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.
Họ hy sinh tuổi thanh xuân và sức trẻ để cống hiến cho độc lập, tự do của cả hai dân tộc và góp phần tạo nên những viên gạch, xây cho mối tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng nồng thắm và bền vững.
Khoảng 4.000 quân tình nguyện Việt Nam có mặt trên chiến trường Lào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1975, tăng lên 3 vạn người. |
MỸ HẠNH