.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm

Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; cần phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tránh việc một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh tra, kiểm tra

Sáng 10-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe thành viên Chính phủ trình dự thảo Luật An toàn thực phẩm. Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Quốc Triệu trình bày Tờ trình dự án Luật an toàn thực phẩm nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta vẫn còn một một số yếu kém cần có các giải pháp mạnh, đồng bộ để khắc phục.

Đó là tình hình ngộ độc thực phẩm tuy có giảm so với trước khi Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được ban hành nhưng diễn biến vẫn còn khá phức tạp (Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, số người ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm ở nước ta mỗi năm khoảng 8.200.000 người). Vấn đề ngộ độc thực phẩm mạn tính và mối liên quan giữa thực phẩm và các vấn đề sức khoẻ và phát triển giống nòi đến nay Việt Nam vẫn chưa có đủ khả năng để đánh giá. Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa bảo đảm ATTP còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hệ thống kiểm nghiệm, trang thiết bị kiểm nghiệm tuy đã được tăng cường nhưng thực tế còn thiếu nhiều các trang thiết bị phân tích có độ chính xác cao, năng lực cán bộ kiểm nghiệm còn hạn chế...

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật an toàn thực phẩm do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày cho rằng, việc ban hành Luật An toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, sức cạnh trạnh của hàng hóa nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Tuy nhiên, Ủy ban KHCN-MT đề nghị chỉnh sửa quy định tại một số điều, khoản của dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.

Về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Ủy ban KHCN-MT cho rằng, trong dự thảo Luật cần phân công rõ trách nhiệm của Bộ Y tế là Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về ATTP, còn đối với các bộ khác nên giao Chính phủ phân công cụ thể; đồng thời phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về ATTP; tránh việc một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh tra, kiểm tra; giảm bớt đầu mối các bộ tham gia vào công tác quản lý thực phẩm; phân cấp mạnh cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về ATTP.

Về quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động SX-KD thức ăn đường phố. Trong dự thảo Luật cần có mục hoặc điều quy định quản lý ATTP đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm ATTP.

TTXVN

;
.
.
.
.
.