.

Chia sẻ các nghiên cứu sâu về Biển Đông

.

150 đại biểu đến từ 22 quốc gia trong khu vực và các nước khác trên thế giới cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông nhằm góp phần nâng cao hiểu biết của giới học giả và cả nhận thức của giới hoạch định chính sách, của công chúng về các vấn đề liên quan đến Biển Đông…

Các đại biểu dự hội thảo (Ảnh: TTXVN)

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực,” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức trong hai ngày 26, 27-11 tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của 150 đại biểu, trong đó có 54 đại biểu quốc tế đến từ các trung tâm nghiên cứu có uy tín ở 22 quốc gia trong khu vực và các nước khác như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Canada.

Đây là hội thảo quan trọng của những nhà nghiên cứu hàng đầu nổi tiếng về uy tín khoa học và lập trường khách quan trên lĩnh vực nghiên cứu về Biển Đông.

Trong bài phát biểu khai mạc sáng 26-11, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Phó giáo sư, Đại sứ Dương Văn Quảng nhấn mạnh: hoà bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế đương đại; nhưng những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan không hề thuyên giảm ở Biển Đông.

Những diễn biến gần đây, nhất là các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác, tìm kiếm các phương thức giải quyết tranh chấp và xử lý các thách thức để duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như hợp tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân trong khu vực Biển Đông… càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ông Dương Văn Quảng cho biết, các đại biểu “sẵn sàng chia sẻ những kết quả nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông nhằm góp phần nâng cao không chỉ hiểu biết của giới học giả, mà cả nhận thức của giới hoạch định chính sách và của công chúng về các vấn đề liên quan đến Biển Đông để từ đó thúc đẩy nỗ lực của các bên trong khu vực với mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông vì lợi ích của mỗi bên liên quan và vì hòa bình, an ninh và phát triển của cả khu vực.”

Các nghiên cứu chuyên sâu được chia sẻ tại hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết về Biển Đông

Trong các phiên thảo luận ngày 26-11, các học giả cho rằng xung đột lợi ích quốc gia, lịch sử tranh chấp phức tạp của Biển Đông, cách diễn giải khác nhau về luật Biển 1982, báo cáo về thềm lục địa kéo dài, cạnh tranh giữa các nước lớn, xuất hiện nhiều chủ thể trong vùng Biển Đông, tăng cường lực lượng hải quân, chủ nghĩa dân tộc hướng vào vấn đề chủ quyền là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình hình phát triển phức tạp hơn và việc giải quyết tranh chấp khó khăn hơn.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy các nước liên quan quan tâm tới giảm căng thẳng và tìm kiếm hợp tác về các lĩnh vực liên quan tới Biển Đông, thể hiện qua việc ASEAN–Trung Quốc thông qua Tuyên bố về hành vi ứng xử (DOC), thỏa thuận tay ba nghiên cứu địa chấn (JMSU) giữa Việt Nam, Trung Quốc và Philippines; hợp tác nghiên cứu hải dương giữa Việt Nam và Philippines (JOMSRE); hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên khu vực Vịnh Bắc bộ; giữa Việt Nam và Malaysia trong việc nộp báo cáo chung về thềm lục địa kéo dài và các hoạt động cứu nạn cho các tàu đánh cá và ngư dân.

Các học giả thống nhất rằng, với xu thế hòa bình và hợp tác khu vực hiện nay, với quan hệ nhìn chung tốt đẹp giữa ASEAN và Trung Quốc, tình trạng lệ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa hai bên, và sự xuất hiện các vấn đề toàn cầu cần tới nỗ lực hợp tác của các bên, có cơ sở để cho rằng xung đột, nhất là xung đột quân sự quy mô lớn, trên Biển Đông không phải là tất yếu; và các nước nhỏ trong khu vực có cơ hội tham gia xây dựng giải pháp cho tranh chấp tại Biển Đông.

Các đại biểu nhấn mạnh các nỗ lực hợp tác cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, hướng vào các lĩnh vực như ngăn ngừa khủng hoảng, xây dựng cơ chế hợp tác, xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực Biển Đông, tăng cường hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm giữa các bên và học tập kinh nghiệm của các khu vực khác.

Hội thảo tập trung thảo luận 3 nhóm nội dung về tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình, an ninh khu vực và vị trí của Biển Đông trong chiến lược của các quốc gia liên quan; nguồn gốc và diễn biến tình hình các tranh chấp hiện nay, đánh giá về hệ lụy đối với an ninh và hòa bình khu vực của những diễn biến mới đây trên Biển Đông; đánh giá về hiệu quả của các cơ chế hiện có trong khu vực nhằm kiềm chế căng thẳng gia tăng và thúc đẩy hợp tác, chia sẻ các mô hình hợp tác hiệu quả cùng những đề xuất về biện pháp tăng cường lòng tin, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.

Theo Chinhphu.vn, TTXVN

;
.
.
.
.
.