Dù là dân bầu hay chính quyền trực tiếp bổ nhiệm thì cũng phải dựa trên những tiêu chuẩn nhất định. Nếu chọn lựa đúng người thì không những công việc trôi chảy mà lòng tin và sự ủng hộ của dân vào chính quyền sẽ ngày càng tăng. Và khi đó, tổ trưởng dân phố sẽ trở thành một cánh tay đắc lực của chính quyền trong việc tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tiêu chuẩn của tổ trưởng tổ dân phố
Ông Trịnh Quang Hiệp, Tổ trưởng tổ dân phố 10 phường Chính Gián, quận Thanh Khê đang tìm hiểu đời sống của bà con trong khu phố. |
Ông Trịnh Quang Hiệp, Tổ trưởng tổ dân phố số 10 phường Chính Gián, quận Thanh Khê khẳng định: “Yếu tố quan trọng nhất của người tổ trưởng là phải có năng lực, uy tín và đạo đức. Phải có năng lực nắm bắt chủ trương chung, có trình độ để thuyết phục mọi người, dẫn giải công việc hợp lý, hợp tình. Tôi làm tổ trưởng tổ dân phố hơn 30 năm, dù nhân dân tín nhiệm nhưng đến lúc sức khỏe và điều kiện không cho phép, tôi cũng muốn thôi làm”.
Trên thực tế, rất nhiều tổ trưởng tổ dân phố vẫn còn tâm huyết và nhiệt tình với công việc nhưng sức khỏe là một yếu tố tác động không nhỏ khiến cho họ muốn dừng lại và chuyển giao công việc cho những người khác. Với hàng trăm thứ việc ở tổ dân phố, nếu không có sức khỏe thì tổ trưởng khó đảm nhiệm được công việc của mình một cách hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Chí Phong, Tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu), một tổ trưởng trước hết phải được nhân dân tín nhiệm, trong công việc họ phải là người có bề dày cống hiến, có trình độ học vấn, có trình độ lý luận chính trị nhất định và phải hiểu biết pháp luật. Không ít trường hợp tổ trưởng thiếu hiểu biết về các quy định của luật pháp, nên khi xảy ra tranh chấp, xung đột giữa bà con làng xóm với nhau, họ không đưa ra được cách giải thích hợp lý để hòa giải. “Nhiệt tình thôi chưa đủ để một tổ trưởng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Điều quan trọng là cách họ giải quyết những vấn đề nảy sinh trong tổ dân phố. Phải nhẹ nhàng, không đao to búa lớn mà lại được việc. Biện pháp vận động dân, tổ chức thực hiện và giải quyết vấn đề phải phù hợp với từng loại công việc, từng trường hợp sao cho thấu tình đạt lý”, ông Nguyễn Chí Phong tâm sự.
Từ thực tiễn hoạt động của mình, ông Nguyễn Văn Chung, Tổ trưởng tổ 15 phường Hòa Quý cho rằng: “Làm tổ trưởng thì bản thân và gia đình người đó phải thật sự gương mẫu, sống chuẩn mực. Quan trọng là điều kiện kinh tế phải ổn định, nếu không sẽ không an tâm để làm việc, vì phụ cấp trách nhiệm của tổ trưởng tổ dân phố cũng chẳng thấm vào đâu.
Phải tự nâng cao trình độ cho mình. Nhiều lần tôi tìm những văn bản pháp luật về hôn nhân gia đình, về đất đai để tìm hiểu rồi từ đó phân tích, giải thích cho người dân mỗi khi có vấn đề nảy sinh. Nếu không tự tìm hiểu, không có kiến thức nhất định thì sẽ khó giải quyết được những vướng mắc mà bà con hay gặp phải trong đời sống thường nhật”.
Từ hoạt động thực tiễn của các tổ trưởng tổ dân phố cho thấy, ngoài năng lực, trình độ học vấn, kiến thức pháp luật cơ bản thì bản thân họ phải thật sự nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc, có uy tín trong cộng đồng, được bà con tín nhiệm, phải làm việc vô tư, không vụ lợi, công khai, minh bạch mọi hoạt động của tổ dân phố trước dân. Đây là tiêu chuẩn để lựa chọn một tổ trưởng xứng đáng, là người đại diện cho chính quyền địa phương ở khu dân cư.
Dân bầu hay chính quyền bổ nhiệm?
Mặc dù tiêu chuẩn về lựa chọn cán bộ tổ dân phố là rõ ràng, nhưng trong thời gian vừa qua, một số địa phương gặp không ít khó khăn trong việc bầu ra một tổ trưởng tổ dân phố xứng đáng với sự tín nhiệm của chính quyền và người dân.
Trước tình hình này, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 6361/UBND-SNV ngày 30-9-2009 về việc thí điểm Chủ tịch UBND phường bổ nhiệm tổ trưởng tổ dân phố. Hiện nay, toàn thành phố Đà Nẵng có 2.095 tổ trưởng tổ dân phố, trong đó, 2 quận đông nhất là Hải Châu với 562 người và Thanh Khê 463 người. UBND thành phố yêu cầu tùy số lượng đơn vị hành chính cấp phường của mỗi quận mà chọn từ 2 đến 5 tổ dân phố để Chủ tịch UBND phường thí điểm bổ nhiệm trực tiếp tổ trưởng tổ dân phố.
Yêu cầu của UBND thành phố là vậy nhưng trên thực tế, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc để người dân bầu tổ trưởng tổ dân phố sẽ thuận lợi hơn nhiều. Ông Hoàng Quốc Cường, Chủ tịch UBND phường Chính Gián cho biết: “Phường hiện có 61 tổ dân phố và được chọn làm thí điểm bổ nhiệm trực tiếp tổ trưởng tổ dân phố.
Hiện tại, phường đã chọn một đảng viên ở tổ 57 để nghiên cứu, bổ nhiệm, cấp ủy khu dân cư sẽ có văn bản trình và chi bộ gửi danh sách lên. Tuy nhiên, nếu để dân bầu thì thuận lợi hơn vì mình bổ nhiệm nhưng họ không chịu làm thì sao, việc lựa chọn nếu không kỹ thì dân sẽ không ủng hộ”. Theo giải thích của một cán bộ Phòng Nội vụ quận Hải Châu thì Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố quy định tổ trưởng tổ dân phố do nhân dân trực tiếp bầu ra, nếu làm không khéo, không chọn đúng người thì sẽ vi phạm quy chế dân chủ cơ sở, người dân sẽ không phục.
Một số tổ trưởng tổ dân phố khi được hỏi cũng cho rằng, dân bầu là tốt nhất. Chính dân sẽ lựa chọn người có uy tín, có năng lực, có tinh thần trách nhiệm để đảm đương công việc. Tổ trưởng là người sống trong nhân dân, do vậy, việc người nào đó có đáng tin không, có mẫn cán với công việc được giao hay không thì nhân dân sẽ đánh giá ngay. Nếu trong trường hợp dân vẫn chưa lựa chọn được người xứng đáng thì mới có sự can thiệp của chính quyền.
Nhưng việc bổ nhiệm phải trên cơ sở ý kiến của cấp ủy chi bộ khu dân cư và tham khảo ý kiến của người dân trong tổ dân phố. Việc bổ nhiệm đúng người sẽ giúp cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổ trưởng tổ dân phố sau đó thuận lợi hơn.
Tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, tổ trưởng tổ dân phố là người cùng chung sống trên một địa bàn, gắn bó trực tiếp với đời sống của dân cư. Tổ trưởng tổ dân phố là cánh tay đắc lực của chính quyền phường, do vậy, cần lựa chọn đúng người và tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc, phát huy trách nhiệm vì cộng đồng. Có như vậy, người tổ trưởng sẽ góp công rất lớn trong việc nâng cao chất lượng và đời sống của nhân dân ở từng tổ dân phố, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH