.

HIV/AIDS len lỏi vào nông thôn

.

Mặc dù phát hiện muộn, nhưng hiện nay HIV/AIDS đang len lỏi vào đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi của huyện Hòa Vang.

Xã nào cũng có người nhiễm HIV

Để phòng chống HIV/AIDS hiệu quả, nhiều trường học của thành phố đã phát động học sinh nói không với các tệ nạn xã hội trong nhà trường.

Theo số liệu do Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cung cấp, hiện tại, 11 xã của huyện Hòa Vang đã xác định được 62 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 7 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 28 người đã tử vong. Số đối tượng nghiện chích ma túy, bệnh nhân lao và phụ nữ lây truyền khi sinh con đang có xu hướng tăng.

Mặc dù so với các quận Thanh Khê và Hải Châu, tỷ lệ nhiễm mới của huyện Hòa Vang không cao, nhưng việc liên tiếp phát hiện người nhiễm tại các xã, nhất là các xã miền núi Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Liên đang đặt ra cho Hòa Vang những khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Hiện nay, số người nhiễm HIV/AIDS tại các xã trên là:
 
Hòa Bắc 6 người, Hòa Ninh: 4, Hòa Liên: 5, Hòa Phú: 3. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố, trên thực tế số người mắc bệnh sẽ cao hơn. Nguyên nhân là do những người mắc bệnh lo sợ bị phát hiện hoặc không biết đang mang trong người vi-rút HIV nên không được tư vấn, xét nghiệm điều trị.

Ông Bùi Đức Noa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, khó khăn nhất vẫn là việc quản lý đối tượng đã bị nhiễm và tiếp cận, tuyên truyền dự phòng với những nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao do những người này đi làm ăn xa thi thoảng mới về.

Hiện nay, qua giám sát trọng điểm cho thấy, HIV không chỉ tập trung trong những nhóm đối tượng nguy cơ cao mà ngay trong cộng đồng dân cư bình thường qua con đường tình dục không an toàn, đặc biệt là trong nhóm người lao động xa nhà.

Chưa tiếp cận điều trị

Trong khi sự kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV đâu đó vẫn còn xuất hiện trong cộng đồng, khiến những người có HIV ở các xã của huyện Hòa Vang không muốn đi khám để được tư vấn, điều trị. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí chưa cao nên nhiều bệnh nhân vẫn chưa tiếp cận thông tin về điều trị dự phòng HIV bằng thuốc ARV.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng, một trong những khó khăn khách quan đối với người bệnh HIV ở Hòa Vang là phải di chuyển khá xa, đến Bệnh viện Da liễu thành phố để khám và điều trị thuốc ARV. Điều kiện sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người nhiễm HIV ở Hòa Vang còn nhiều khó khăn cũng là một nguyên nhân làm hạn chế khả năng phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Từ đó, có những trường hợp người nhiễm AIDS nhưng do không biết mình mắc bệnh đã âm thầm “chung sống” với bệnh cho đến khi tử vong.

Theo đánh giá của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, việc triển khai giám sát HIV/AIDS ở khu vực nông thôn, miền núi huyện Hòa Vang gặp nhiều khó khăn do Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang mới được chia tách, chưa có bệnh viện riêng để thực hiện quy trình lấy mẫu theo đúng quy định. Để giải quyết khó khăn này, trong “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2009”,

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố sẽ phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết về căn bệnh HIV/AIDS và những biện pháp phòng tránh. Bên cạnh đó, trung tâm đề xuất cấp trên tăng cường đào tạo mới và đào tạo lại kiến thức và kỹ năng giám sát, truyền thông cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, hỗ trợ các trang thiết bị quản lý số liệu cho địa phương.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.