Sáng ngày 16-11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Mỹ Hương đã tham gia phát biểu ý kiến.
Theo ĐB Mỹ Hương, xét về tổng thể thì mức độ độc lập của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong dự thảo luật còn khá hạn chế, thể hiện ở sự phụ thuộc quá nhiều vào các quan hệ hành chính và cũng có nhiều điều, khoản của luật giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định.
Chẳng hạn, Thủ tướng Chính phủ có thể yêu cầu NHNN bảo lãnh cho các tổ chức tín dụng vay vốn nước ngoài hoặc Thủ tướng Chính phủ sử dụng quyền tạm ứng cho ngân sách Nhà nước và còn nhiều quy định mang tính hành chính khác, ví dụ quy định việc mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại của Kho bạc Nhà nước trên các địa bàn không có Kho bạc Nhà nước cũng như nhiều vấn đề thu chi khác còn phụ thuộc rất lớn vào Chính phủ.
ĐB đồng ý rằng mức độ độc lập của NHNN phụ thuộc vào thể chế chính trị và năng lực của NHNN. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nước ta hiện nay và trong yêu cầu ngày càng tăng của việc quản lý vĩ mô, đặc biệt là với vấn đề về quản lý tiền tệ trong những năm gần đây thì vấn đề về thâm hụt ngân sách, vấn đề lạm phát đã trở nên rất nóng và nó là một trong những nguyên nhân lớn gây bất ổn vĩ mô.
Do vậy, theo ĐB, cần phải đặt ưu tiên cho việc gia tăng thêm và đẩy nhanh hơn nữa việc tăng tính tự chủ trong NHNN. ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để thể hiện vào trong luật rõ hơn quan hệ về tiền tệ giữa NHNN với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính. Từ kinh nghiệm của các thị trường mới nổi và các nước có môi trường chính trị, thể chế chính trị gần giống với Việt Nam, ĐB đề nghị NHNN Việt Nam cần thiết và hoàn toàn có thể có được một sự độc lập tương đối với các cơ quan tài chính và chính quyền địa phương.
Tại Điều 29 về tạm ứng cho ngân sách Nhà nước, ĐB đề nghị xác định trong luật Thống đốc NHNN có quyền từ chối tạm ứng cho ngân sách Nhà nước trong trường hợp việc tạm ứng này có ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát cho nền kinh tế và phải xác định hạn mức tạm ứng cho ngân sách Nhà nước để từng bước giảm dần sự phụ thuộc của NHNN vào Chính phủ, đồng thời cũng cần quy định trong luật một chế tài cụ thể, rõ ràng để xử lý trường hợp các khoản tạm ứng không được hoàn trả trong năm ngân sách.
ĐB đề nghị, đối với vấn đề công khai, minh bạch các chính sách tiền tệ phải được ưu tiên và đặt đúng chỗ để tạo động cơ cho NHNN thực hiện mục tiêu của mình và có cách để giải trình cho công chúng.
Về vấn đề minh bạch và công khai thông tin, theo ĐB thì tại khoản 2, Điều 40 dự thảo luật cũng chỉ quy định những nội dung thông tin công bố mà chưa quy định rõ phương thức công bố, thời gian công bố và các loại báo cáo phải công bố ra công chúng. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo phải xem xét thêm vấn đề này.
Về việc mua cổ phần của các tổ chức tín dụng quy định tại khoản 13 Điều 6 dự thảo luật, cho phép NHNN quyết định áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống. ĐB đề nghị cần thiết phải xác định rất rõ và cụ thể các tiêu chí như thế nào là nguy cơ, như thế nào là nghiêm trọng để trên cơ sở đó NHNN phải áp dụng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đó để thực hiện các biện pháp xử lý của mình.
PHẠM HỮU HOA
.
.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XII
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần độc lập trong quan hệ
Thứ Ba, 17/11/2009, 07:42 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
- Khai trương Báo Đà Nẵng điện tử
- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ làm việc với Đảng ủy VNECO
- Hoàng Sa biển đảo mến yêu - Kỳ I: Tổng quan địa lý hành chính Hoàng Sa
- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Tổng thống Nga
- Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm
- Cần phân biệt rõ giữa kiểm tra và giám sát
.
.
.
.
.