.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XII THẢO LUẬN VỀ LUẬT THUẾ NHÀ, ĐẤT

Phải quản lý được mới đánh thuế

Chiều ngày 21-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thuế nhà, đất. Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Mỹ Hương đã tham gia phát biểu ý kiến.

Mở đầu bài phát biểu, ĐB Mỹ Hương bày tỏ sự đồng tình với Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) của Quốc hội về việc cần thiết phải xem xét lại mục tiêu của dự thảo Luật Thuế nhà, đất và đồng ý với các mục tiêu theo đề nghị của Ủy ban TCNS.

ĐB cho rằng, không nên đặt mục tiêu nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về nhà, đất vì điều này ngược với logic về quản lý. Bao giờ cũng phải quản lý được thì mới đánh thuế chứ không ai đánh thuế để quản lý như cách đặt vấn đề của dự án luật.

Theo ĐB thì qua hồ sơ dự án luật, có cảm giác rằng mục tiêu chính mà Ban soạn thảo theo đuổi là hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất. Tuy nhiên, đặc trưng loại thuế này lại không ảnh hưởng nhiều đến hành vi, tiêu dùng và sự phân bổ nguồn lực của người dân, nghĩa là việc đánh thuế sẽ không làm thay đổi hành vi của đối tượng chịu thuế.
 
Hơn nữa, do mức thuế thường không theo kịp so với tốc độ tăng của giá trị hằng năm của nhà, đất ở đô thị, nhất là tại các khu vực “nóng”, có hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh. Tình trạng đầu cơ đất thường tăng mạnh do lợi nhuận hấp dẫn từ giá đất tăng nhanh, điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, lãi suất phải chăng. Nhìn vào các nước xung quanh, cả các nước đang phát triển như Thái Lan và Indonesia; và các nước phát triển như Nhật Bản, Canada, có thể thấy thuế không hạn chế được đầu cơ. Trong khi đó, thuế suất lũy tiến như quy định trong dự thảo thì càng không có tác động gì đến việc đầu cơ.

ĐB cho rằng, hồ sơ dự án luật không đặt vấn đề về khai thác nguồn thu. Điều này, cũng dễ hiểu vì chi phí cho loại thuế này rất cao, chi phí thu thập dữ liệu và định giá tài sản rất lớn. Tuy nhiên, chính điều này lại gây ra sự mâu thuẫn trong mục tiêu vì mục tiêu lâu dài và bền vững của sắc thuế này là tăng thêm sự công bằng và tạo nguồn thu dài hạn cho chính quyền địa phương nhằm cung cấp các dịch vụ công và các tiện ích công cộng. Như vậy, theo ĐB thì cả mục tiêu kinh tế và xã hội của dự án đều không đạt được.

Về tính khả thi của dự án luật, ĐB cho rằng dự án luật quy định nhiều cách tính rất khó khả thi và khó thực hiện, chẳng hạn như vừa tính diện tích nhà theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, vừa tính diện tích thực tế, vừa áp dụng phương pháp cộng dồn. Như vậy, muốn tính thuế được thì phải tiến hành tính toán, đo đạc, kiểm tra diện tích nhà ở thực tế của toàn bộ số căn nhà trên cả nước.
 
Cho đến nay thì Cơ quan quản lý nhà, đất chưa xác định được mỗi hộ gia đình, cá nhân có bao nhiêu nhà, đất. Hơn nữa, theo Luật Đất đai 2003 thì UBND cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên việc tính cộng dồn càng không khả thi.

ĐB cũng không đồng ý đề nghị của Ủy ban TCNS về cách tính tổng giá trị nhà, diện tích nhà theo từng địa phương vì như vậy sẽ tạo một kẻ hở vô cùng lớn bởi không điều chỉnh được những đối tượng cần điều chỉnh, thúc đẩy việc sử dụng nhà, đất hiệu quả. Mặt khác, vì Nhà nước không quản lý được thì không thể có biện pháp để xử lý những trường hợp trốn thuế, tránh thuế. Mà không xử lý được thì tất yếu dẫn đến việc không công bằng.

Điều 8 dự thảo luật quy định nghĩa vụ người nộp thuế là phải đăng ký, khai, tính và nộp thuế..., ĐB cho rằng quy định như vậy thật không phù hợp với thực tế. Bản thân thủ tục tính toán phức tạp đã cản trở việc tự  nguyện kê khai và nộp thuế của người dân. Từ việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cho thấy tính phức tạp, khó khăn của công tác thu thuế, riêng để có mã số thuế cá nhân thôi cũng đã là một vấn đề, vậy thì với dự luật này, khó khăn còn hơn gấp nhiều lần vì người nộp  thuế phải tự đo, tự kê khai, tính thuế và nộp thuế.

Theo ĐB, tại Indonesia, phải mất 10 năm để cải cách thuế tài sản và điểm quan trọng nhất của họ là phát triển hệ thống điểm nộp thuế rất hiệu quả, hệ thống này được tự động hóa hoàn toàn vì xác định rằng hệ thống không khả thi nếu thao tác bằng tay.

Do đó, để bảo đảm tính khả thi, theo ĐB thì phải tính đến toàn diện cả ba yếu tố là hệ thống chính sách, vấn đề thực địa và hệ thống quản lý cấp dưới. Cả ba yếu tố trên của chúng ta đều chưa có hoặc chưa hiệu quả thì không khả thi. Đó là chưa kể đến nhiều vấn đề quan trọng khác như quyền sở hữu nhà ở của người dân trong Hiến pháp, định mức nhà, đất ở, tính giá theo giá trị Nhà nước, cào bằng theo diện tích mà không theo đầu người. 
 
PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.