.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP. ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XII

Cải tổ hệ thống thuế, đòi hỏi một chính sách nhất quán

.

Chiều ngày 5-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung (SĐBS) một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Mỹ Hương đã tham gia phát biểu ý kiến.

 


Về dự án Luật SĐBS một số điều của Luật Thuế GTGT, ĐB không đồng tình với đề nghị áp dụng mức thuế suất 5% cho các đối tượng người mua, thuê nhà là học sinh, sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp. ĐB cho rằng, theo nguyên tắc hành thu, luật thuế ban hành phải hướng đến mục tiêu chính xác và công bằng.
 
Tuy nhiên, quy định của dự án luật này không thỏa mãn cả hai mục tiêu trên. Trước hết, do chúng ta chưa có tiêu chí rõ ràng về người có thu nhập thấp thực tế nên dễ dẫn đến nguy cơ phân loại không chính xác đối tượng thụ hưởng. Điều này gây ra sự bất công vì người đáng được hưởng ưu đãi thì không được hưởng mà người không đáng được ưu đãi thì được ưu đãi.
 
Ngoài ra, với công cụ quản lý thuế thiếu hiệu quả như hiện nay, các doanh nghiệp rất dễ lợi dụng để bán hoặc cho thuê với giá có thuế suất VAT 5% cho khách hàng, dù họ không phải là đối tượng được ưu đãi. Rõ ràng, chính sách này có nguy cơ khuyến khích các hành vi hối lộ và bị một số thành phần trong xã hội lợi dụng để trục lợi. Trong bối cảnh thực tiễn ở nước ta hiện nay, khi các khoản chi phí và đối tượng chịu thuế chưa được minh định rõ ràng, thì việc áp dụng hai mức thuế khác nhau gây tốn nhiều chi phí cho công tác quản lý. ĐB đề nghị không sửa đổi Luật Thuế GTGT.

Về Luật SĐBS một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ĐB cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với tờ trình của Chính phủ. Theo ĐB, căn cứ chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 thì một trong những mục tiêu mà hệ thống thuế của nước ta đặt ra đối với Luật Thuế TNDN sửa đổi là phải thu hẹp diện miễn, giảm thuế, hay nói cách khác là thu hẹp phạm vi ưu đãi thuế.

Như vậy, quy định của luật này không phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2010. Hơn nữa, trong khi xu hướng cải cách thuế trên thế giới đang đi theo hướng tách bạch giữa chính sách thuế và chính sách xã hội thì dự án luật lần này tiếp tục đi ngược với xu hướng này của thế giới. ĐB cho rằng việc cải tổ hệ thống thuế đòi hỏi một chính sách nhất quán chứ không mang tính tình thế như cách làm của chúng ta hiện nay.

Dự thảo luật quy định miễn thuế 4 năm và giảm thuế ở mức ưu đãi tối đa trong 9 năm tiếp theo. ĐB cho rằng theo nguyên tắc, thời gian miễn thuế tạo động cơ khuyến khích các doanh nghiệp lách thuế vì các doanh nghiệp bị đánh thuế có thể thiết lập quan hệ kinh tế với những doanh nghiệp miễn thuế để dịch chuyển lợi nhuận thông qua việc chuyển giá. Thậm chí, theo đề nghị của Chính phủ trong dự thảo luật này, một doanh nghiệp đang hoạt động sẽ rất dễ dàng chuyển giá từ dự án không được ưu đãi sang dự án mới mở rộng thuộc diện ưu đãi.

Một hệ thống thuế ổn định và minh bạch với một cơ sở thuế toàn diện và thuế suất thấp sẽ hiệu quả hơn so với những biện pháp có tính tình thế trong ngắn hạn. ĐB cho rằng, khi xây dựng một dự án luật, chúng ta cần hiểu rõ tác động kinh tế, xã hội thực tế của chính sách chứ không nên xây dựng luật trên cơ sở ước đoán.

Theo ĐB Mỹ Hương, mục tiêu đặt ra của dự án luật này là nhằm góp phần cải thiện cuộc sống của học sinh, sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với những phân tích trên, ĐB cho rằng chúng ta không đạt được mục tiêu này mà lại để cho một số đối tượng lợi dụng, gây ra sự méo mó đối với một chính sách tốt đẹp của Nhà nước. Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hết sức kỹ lưỡng đối với dự án luật này.
 
PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.