Chiều ngày 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh.
|
Các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về những hoạt động mà các TCTD đương nhiên được làm, những hoạt động mà TCTD muốn làm phải xin phép Ngân hàng Nhà nước, những hoạt động mà TCTD không được làm; công tác quản trị điều hành TCTD; về các điều kiện hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD và kiểm soát đặc biệt.
ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng, trên tinh thần chung, dự thảo luật đã xây dựng theo hướng tăng cường khả năng bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng, nhưng lưu ý cần cân nhắc kỹ lưỡng vì quy định quá chặt chẽ như dự thảo sẽ tạo nên rào cản lớn trong sự vận hành hiệu quả của các TCTD. Ngoài ra, các quy định cũng cần minh bạch, cụ thể ngay trong luật để tránh việc vận dụng không thống nhất, tạo cơ chế xin-cho trong quá trình thực thi.
Tại khoản 6 Điều 103, dự thảo luật quy định các ngân hàng thương mại không được góp vốn và mua cổ phần của các TCTD khác. Theo ĐB, quy định như vậy là hợp lý để hạn chế các ngân hàng đầu tư vào các lĩnh vực khác, tạo rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng; dự thảo cũng quy định tổng dư nợ tối đa được góp vốn không quá 60% vốn điều lệ là phù hợp.
Khoản 1 Điều 126 dự thảo luật quy định những trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng không được cấp tín dụng. Đại biểu Mỹ Hương đồng ý với việc không cấp tín dụng đối với pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của TCTD cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của TCTD.
Quy định như vậy sẽ tránh việc TCTD bị thao túng hoặc bị lạm dụng cho một nhóm lợi ích, tập trung tín dụng quá lớn cho một số đối tượng. Thực tế đã chứng minh các quan hệ sở hữu như vậy là nguyên nhân tiềm ẩn của rủi ro đạo đức vì những quyết định tín dụng thiếu minh bạch và không xem xét thấu đáo tính hiệu quả của dự án đầu tư.
Tuy nhiên, ĐB đề nghị không nên quy định quá chặt chẽ như dự thảo luật khi quy định không được cấp tín dụng đối với các cá nhân như thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,…; bố, mẹ, vợ, chồng, con của những người này. Theo ĐB thì quy định như vậy là không cần thiết, đề nghị nên quy định một hạn mức tín dụng hợp lý như các khách hàng tín dụng khác.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho rằng, về các hình thức tổ chức của TCTD quy định tại khoản 6 Điều 6 dự thảo luật, cần bổ sung loại hình công ty cổ phần bên cạnh loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn.
Theo đó, xây dựng lại quy định này hoàn chỉnh theo hướng, tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, ĐB đề nghị đối với hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ thì cũng nên xem xét miễn thuế.
Về vấn đề huy động vốn của tổ chức tài chính vi mô quy định tại điều 119 dự thảo luật, ĐB đề nghị bổ sung quy định cho phép tổ chức tài chính vi mô được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn như quy định của dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng, khoản 2 Điều 3 dự thảo luật liệt kê chưa đầy đủ các luật áp dụng liên quan đến việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động,…của TCTD. Do đó, ĐB đề nghị cần bổ sung cụm từ “Luật Đầu tư” vào cuối khoản này thì mới đầy đủ vì các TCTD nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải áp dụng Luật Đầu tư.
Về vấn đề phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của TCTD (Điều 91), ĐB đề nghị không nên quy định TCTD và khách hàng có quyền tự thỏa thuận với nhau về mức lãi suất, phí cấp tín dụng mà phải thỏa thuận theo khung lãi suất, phí cấp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Theo ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh), dự thảo luật các TCTD nên xây dựng theo hướng cấm những cái gì cần cấm, ngoài những vấn đề cấm đó thì nên cho phép vận dụng. Về tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị, ĐB nêu ra một thực tế là hiện nay nhiều người nắm giữ cương vị này không có bằng đại học nhưng cũng làm lãnh đạo các tập đoàn lớn và quản trị rất tốt, do đó, nếu đưa ra tiêu chuẩn về bằng cấp thì có nên không, nhất là trong điều kiện của nước ta hiện nay.
ĐB cho rằng, dự thảo luật quy định trước khi bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, danh sách nhân sự ứng cử các chức danh này phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước là chưa thật sự phù hợp, cần được xem xét thêm.
PHẠM HỮU HOA