Hai năm 1970-1971, những trận tấn công dồn dập của quân ta đã làm cho hàng loạt các căn cứ vững chắc của Mỹ-ngụy như Đông Hà, Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị... thất thủ, cả tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng vào tháng 5-1972. Để giành lại mảnh đất được xem là bàn đạp tấn công miền Bắc, Mỹ-ngụy quyết tâm điên cuồng san bằng thành cổ bằng những trận mưa bom dội lửa suốt 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972).
Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng trị - 1972. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH |
Đặc biệt, Mỹ tăng cường gấp 2 lần máy bay B52 chi viện trực tiếp với mật độ cao và cường độ rất lớn, rải xuống mảnh đất nhỏ bé này chỉ trong gần 3 tháng số lượng bom tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật). Với khẩu hiệu “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn” (Quang Sơn là mật danh của Trung đoàn 48), lớp lớp cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã kiên cường đánh trả, sẵn sàng hy sinh đến cùng để giữ lấy thành cổ. Chỉ trong 81 ngày đêm, hàng ngàn người lính trung đoàn đã ngã xuống, bằng máu xương mình viết nên những huyền thoại rất đỗi thiêng liêng.
Trong đội hình Trung đoàn 48 kiên cường của 37 năm về trước có 21 người con của Khu 5 quê từ Bình Định trở ra Đà Nẵng. Hầu hết đều là học sinh miền Nam ra học tại miền Bắc, tốt nghiệp các trường sĩ quan lục quân, sĩ quan chính trị, học viện quân sự xung phong trở về giải phóng miền Nam. Những cán bộ người Khu 5 đều đã có thành tích trong chiến đấu, hầu hết là dũng sĩ diệt Mỹ, có nhiều kinh nghiệm trên chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, táo bạo, mưu trí, sáng tạo, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh, góp phần cùng cả trung đoàn làm thất bại kế hoạch tái chiếm nhanh của kẻ thù.
Đó là những tấm gương như Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung đoàn trưởng Trần Minh Vân, quê Bình Định chỉ huy trong suốt 81 ngày đêm ở Thành cổ; Nguyễn Đình Kỳ, đại đội trưởng đại đội 5, tiểu đoàn 2 – người con của quê hương Hòa Quý, Đà Nẵng trong trận đánh ngày 15-8 đã chỉ huy đơn vị diệt 30 tên địch và tổ cắm cờ; là đồng chí Mai Phước Liệu, quê Quảng Nam, chính trị viên đại đội 2 bắn rơi 1 máy bay, 1 xe tăng và bắt sống 2 sĩ quan Mỹ, cùng đại đội 2 tiêu diệt 130 tên địch trong hai trận ngày 10 và 15-9; là Anh hùng liệt sĩ Kiều Ngọc Luân, quê Quảng Ngãi chiến đấu dũng cảm; đồng chí Nguyễn Kiếm, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, đại đội trưởng đại đội trinh sát bị thương vẫn không rời trận địa...
Những người con Khu 5 đã để lại một phần máu xương mình trên cỏ non thành cổ, 12 người trong số 21 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, cùng hàng ngàn người lính Trung đoàn 48 viết nên bản hùng ca thành cổ trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 lịch sử, góp phần mang về thắng lợi đầy ý nghĩa cho đất nước Việt Nam trên bàn đàm phán Pa-ri.
37 năm sau mùa hè rực lửa, 21 người con Khu 5 đã tham gia chiến đấu ở mảnh đất Quảng Trị nay chỉ còn lại 9 người. Cuộc sống đưa mỗi người về một ngả nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn cháy đỏ trong tim. Niềm tự hào từng là người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ thành cổ cùng với nỗi đau về sự hy sinh, mất mát không thể nào kể hết của biết bao đồng đội trong suốt 81 ngày đêm ấy vẫn mãi song hành trong mỗi người lính năm xưa.
Cứ vào dịp 27-7 hằng năm, 9 người lính lại trở về bên nhau, ôn lại những kỷ niệm bi tráng một thời bằng những chuyến hành hương về thành cổ, thắp những nén hương nghẹn ngào cho đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên dòng Thạch Hãn trong xanh. Ngày 27-1-2009, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị trân trọng trao tặng Kỷ niệm chương chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị cho những người con miền Trung trực tiếp tham gia chiến đấu tại thành cổ trong mùa hè năm 1972. Niềm vinh dự, tự hào này sẽ tiếp thêm ngọn lửa để những người lính thành cổ năm xưa thêm vững bước, tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới hôm nay.
CÁT TƯỜNG
(Ghi theo lời kể của đồng chí Mai Phước Liệu - nguyên cán bộ Tiểu đoàn 2-Trung đoàn 48 anh hùng).