Nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý mở rộng phạm vi vụ việc được thụ lý của trọng tài thương mại, theo đó khái niệm thương mại được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm thương mại hàng hóa, đầu tư, dịch vụ và sở hữu trí tuệ...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Trần Thị Hồng phát biểu ý kiến . Ảnh : TTXVN |
Thảo luận tại hội trường chiều ngày 25-11 về Dự án Luật Trọng tài thương mại, các đại biểu Quốc hội đã tập trung nhiều về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại, tiêu chuẩn trọng tài cũng như hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam…
Luật Trọng tài thương mại gồm 11 Chương và 75 Điều, bao gồm các quy định về trọng tài viên, trung tâm trọng tài, khởi kiện, phán quyết trọng tài, thi hành phán quyết trọng tài… Đa số các đại biểu tán thành việc xây dựng Luật Trọng tài thương mại là phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay.
“Mở” đến đâu?
Nhiều đại biểu đồng ý với việc mở rộng phạm vi vụ việc được thụ lý của trọng tài, theo đó khái niệm thương mại được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm thương mại hàng hóa, đầu tư, dịch vụ và sở hữu trí tuệ ..
Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi thẩm quyền của trọng tài trong các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005.
Một số ý kiến đề nghị nên mở rộng thẩm quyền của trọng tài, nhưng không nên mở toàn diện. Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), không nên mở quá rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp cho trọng tài bởi đây là lĩnh vực quan trọng cần có luật điều chỉnh.
Hơn nữa, thời gian tới đây xu hướng tranh chấp thương mại xuất hiện nhiều hơn vì vậy cần thiết phải mở rộng thẩm quyền của trọng tài, nhưng cần cân nhắc “độ mở”. Và quan trọng, việc mở rộng cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng việc mở rộng quá nhiều thẩm quyền của trọng tài thương mại sẽ làm giảm tính khả thi của Luật.
Cần quy định cụ thể về trọng tài nước ngoài
Tờ trình dự thảo Luật đề nghị không tách các quy định về hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thành một chương riêng, mà các quy định thể hiện tại các điều tương ứng trong Luật. Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Luật cần quy định thành một chương đầy đủ và cụ thể hơn về các vấn đề có yếu tố nước ngoài.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng (Hà Nam), trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam rất quan trọng, hơn nữa chúng ta đang hội nhập, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài có xu hướng tăng, vì vậy cần thiết tách quy định này thành chương riêng và quy định cụ thể hơn về thẩm quyền các hình thức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, trình tự thủ tục thành lập văn phòng đại diện, mối quan hệ trọng tài nước ngoài với cơ quan liên quan… Một số vấn đề về Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp, tiêu chuẩn trọng tài viên cũng được các đại biểu thảo luận…
(Theo Chinhphu.vn)