.

Mùa mưa - lại khổ vì đường sá

.

Đường biến thành sông

Chỉ là một đoạn ngắn từ trụ sở UBND phường Phước Mỹ ra đường Sơn Trà - Điện Ngọc, nhưng đoạn còn lại này của đường Nguyễn Công Trứ và gần 1km còn lại của đường Nguyễn Văn Thoại vẫn chưa được nâng cấp, cứ sau một trận mưa là nước đọng thành vũng giữa đường, người đi đường phải đi vòng quanh để tránh.
 

Đường biến thành sông, lầy lội và ổ gà, ổ voi như ma trận.

Ở kiệt 729 - Ngô Quyền, đoạn đầu thì biến thành sông dài ngày vì trong đường kiệt này không có cống thoát nước, cứ sau một trận mưa to, nhiều nhà dân bị ngập phải dùng máy bơm hút nước xả ra đường, có nhà đến 3 - 4 ngày vẫn chưa hút hết nước. Còn đoạn bên hông Trường THPT Ngô Quyền hướng ra biển thì mặt đường đã xuống cấp trầm trọng, chỉ còn trơ lại nền đất. Các đường kiệt 231, 268, 286 - Nguyễn Công Trứ; 31 và 22 Lương Thế Vinh… đến mùa mưa này vẫn chịu cảnh lầy lội bởi nước thải, nước mưa nhớp nháp.
 
Ông Đàm Nguyên Khánh - Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ cho hay: “Nguồn vốn vận động Nhà nước và nhân dân cùng làm đường thì chúng tôi có, nhưng do việc thành phố đầu tư xây dựng trục đường Lê Văn Thứ - Hồ Xuân Hương đi qua, nên còn một số đường kiệt chúng tôi chưa thể kiên cố hóa được. Còn đoạn đường từ chợ Bà Kỷ (kiệt 268 - Nguyễn Công Trứ) đến đường Lê Hữu Trác nằm trong vệt quy hoạch dọc tuyến đường từ Nguyễn Văn Linh đến đường Sơn Trà - Điện Ngọc (đường dẫn lên cầu Rồng) được biết thành phố sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch khi tuyến đường này được triển khai thực hiện”.

Ở tuyến đường nội bộ An Hải Đông triển khai thi công đã lâu, nhưng hiện nay mới hoàn thành được hơn 900 mét, đoạn đường còn lại từ doanh trại quân đội, dọc theo kiệt 22 và 31 - Lương Thế Vinh đến đường Nguyễn Công Trứ dài khoảng 550 mét chưa biết khi nào sẽ triển khai thi công. Tình trạng để quá lâu không thi công khiến nhiều người dân bức xúc vì đường sá - nền đất quá gập ghềnh, lầy lội, nhất là do không có hệ thống thoát nước nên hễ trời mưa là đường ngập nước và tràn vào nhà dân.
 
Theo UBND quận Sơn Trà, công trình đường nội bộ An Hải Đông do Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các Dự án giao thông 3 thực hiện công tác đền bù giải tỏa; đường dài 1.477 mét, chạy song song với đường Ngô Quyền và cắt ngang qua các đường Nguyễn Duy Hiệu, Lê Hữu Trác, Lương Thế Vinh, đường phía Đông cầu Rồng và các đường kiệt hẻm. Có 230 hộ dân phải giải tỏa và 6 đơn vị, tập thể, nhưng hiện còn một số hộ chưa bàn giao mặt bằng.

Còn đối với trụ sở Công an quận Sơn Trà và Bệnh viện 199 của Bộ Công an thì thành phố đã có văn bản gửi Bộ Công an, bộ này đã có văn bản đồng ý giải tỏa trụ sở Công an quận và thành phố đã có quyết định thu hồi đất, đang lập hồ sơ đền bù; UBND thành phố cũng vừa có Công văn số 6975 đồng ý đền bù 100% giá trị nhà, vật kiến trúc đối với Bệnh viện 199. Đường  nội bộ An Hải Đông đã thảm nhựa xong đoạn từ Km 0 đến Km 0+919, đoạn Km 0+919 đến Km 1+477 đang tiếp tục triển khai các hạng mục liên quan, dự kiến công trình hoàn thành trước Tết Nguyên đán. 

Sửa đường, chờ giữa mùa mưa

 

 

Theo Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu, hiện trên địa bàn quận có đến 12 tuyến đường đã có thời gian khai thác sử dụng trên 10 năm, tình trạng mặt đường từ xấu đến rất xấu và không hề có vỉa hè, hệ thống mương thoát nước, là các đường: Tô Hiệu, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Như Xương, Ngô Thì Nhậm, Âu Cơ, Nguyễn Chánh (rất xấu); Nam Cao, Phan Văn Định, Nguyễn Khuyến, Đàm Quang Trung, Ngô Xuân Thu, Ngô Chân Lưu (xấu).

Hằng năm kinh phí để duy tu, bảo dưỡng mặt đường là 1,05 tỷ đồng chỉ đủ sửa chữa sơ sài, hạn chế được ổ voi, ổ gà trong thời gian ngắn vào các dịp lễ, Tết trong năm mà thôi. Cả 12 tuyến đường này đang nằm trong vùng quy hoạch, giải tỏa chỉnh trang, đang triển khai thi công làm mới, hoặc đang có kế hoạch nâng cấp lên đường 10,5 mét.
 
Một điều dễ nhận thấy là tuy chỉ mới bắt đầu vào mùa mưa, nhưng nhiều tuyến đường đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi và nước đọng lầy lội. Người đi đường vất vả đã đành, mà người dân sống hai bên đường cũng rất khổ sở vì bụi, nước bẩn tràn cả vào nhà. Tuy nhiên, theo một vị lãnh đạo của Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu thì phải đến giữa mùa mưa mới sửa chữa được, vì kinh phí có hạn, mà sửa chữa bây giờ thì mưa được vài ba bữa là ổ gà, ổ voi lại đầy ra…

Trên toàn quận cũng có 461 tuyến đường nội bộ (đường đất, đường bê-tông, đường đi khu dân cư) rộng trung bình 3 mét, dài tổng cộng 135,4 km và không có vỉa hè, trong đó, từ năm 1997 đến tháng 6-2009 đã bê-tông hóa được 294 tuyến đường, dài tổng cộng hơn 74km, còn lại là chưa được kiên cố hóa, chỉ là đường đất…

Để có những con đường đẹp, phải tốn kinh phí đầu tư xây dựng rất lớn. Mới đây, do người dân cùng đồng lòng chia sẻ khó khăn về ngân sách đầu tư xây dựng, thành phố đã quyết định triển khai ngay việc đầu tư xây dựng đường Phạm Như Xương (đường 10,5 mét, vỉa hè 3 mét) theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo chúng tôi được biết, người dân sẽ chịu 50% giá trị đất phải giải tỏa và 50% giá trị vật kiến trúc cũng như hoa màu trên phần đất bị thu hồi, còn lại là Nhà nước. Thiết nghĩ, người dân cần chung tay đóng góp, chia sẻ gánh nặng về kinh phí đầu tư xây dựng và thành phố, Sở Giao thông-Vận tải các quận cần quan tâm, sớm đầu tư nâng cấp hoặc bổ sung thêm kinh phí sửa chữa những tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng, để người dân đi lại đỡ vất vả và hạn chế tai nạn giao thông.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.