.

Những gánh hàng quên tuổi tác

.

“Lời lãi thì không bao nhiêu, cực thì ngó thấy nhưng vẫn phải đi kiểu này vì kinh tế khó khăn. Mình cứ gồng gánh tới khi nào không thể đi được nữa thì thôi...”.

Với gánh hàng nặng trĩu, bà Liễu ngày ngày đi qua sườn núi đem hàng đến bán cho bà con.

Câu chuyện của những người đi buôn hàng hóa lặt vặt ở những nơi đường sá cách trở, phương tiện giao thông thiếu thốn... cho thấy trên bước đường mưu sinh của nhiều người còn lắm vất vả. Người dân mấy thôn Nam Yên, Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc) không xa lạ gì với người phụ nữ gò mình trên chiếc xe đạp thồ cả mấy chục ký thực phẩm đem bán trên vùng cao mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Đó là bà Nguyễn Thị Tình (56 tuổi, trú tại tổ 51, Hòa Hiệp Bắc), ngày nào cũng ngược dòng sông Cu Đê mang theo cá, thịt, rau, đậu…, khi thì gửi xe ở nhà nào đó rồi gánh bộ, lúc thì dắt xe đạp thồ hàng.

Tuy hàng hóa mang theo chỉ là những thực phẩm phục vụ bữa cơm hằng ngày, nhưng việc làm của bà lại trở nên khá quan trọng. Ngày nào bà không đi thì coi như ngày đó nhiều gia đình chỉ ăn qua loa cho xong chuyện.

Trên con đường mới dẫn từ Thủy Tú lên Trung tâm 05-06 đang được xây dựng, các đội đang thi công đường sá nơi đây đều phụ thuộc vào sọt hàng của bà. Những ngày mưa, không thấy bóng dáng người bán hàng, các đội phải cử người xuống tận chợ Nam Ô, Hòa Khánh để mua thức ăn. Do sức khỏe không được tốt, mấy lần bà Tình định thôi không đi buôn nữa, nhưng rồi không thể bỏ “nghề”. 

Bà nói: “Ngày mô không lên là y như rằng có người nhắc. Gặp ai đó xuống Nam Ô là họ ghé qua nhà nhắn tôi mang đồ ăn lên cho thợ công trình. Thấy người dân họ cần mình quá mà nghỉ không được, đành tiếp tục rong ruổi lên đây tới bây chừ. Rồi đây mưa gió liên miên, không biết làm răng mà mang đồ lên bán. Bữa trước, đường trơn, cả người và hàng té sấp lên nhau, mặt mày sưng vù”.

Đã vào cái tuổi 61, bà Dương Thị Liễu (sống tại làng Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc) cũng chưa chịu ngồi nhà nghỉ ngơi. Ngày nào cũng hai vòng lên xuống chân đèo Hải Vân để mang hàng hóa xuống bán dưới thôn. Hỏi bà sao con cái đã lớn rồi vẫn còn cực như vậy, bà thở dài: “Tụi hắn còn nghèo, mình còn sức lực thì kiếm chút đồng lời để có mà chi tiêu hằng ngày và mua quà cho mấy đứa cháu”.

Khách lên xuống thôn Hòa Vân gặp bà toòng teng 8 nải chuối, lúc trở lên lại thấy bà gánh hai bao dừa (10-15 trái) nặng trịch, có lúc là mấy trái mít to đùng. Biển động, gió to, tàu thuyền không đi được, bà cứ theo đường mòn từ chân đèo Hải Vân trườn xuống cùng với gánh hàng. Người đi không đã mệt, một bà già với gánh hàng mấy chục ký trên vai còn mệt nhọc gấp nhiều lần. Bà Liễu kể: “Nhiều bữa ham đồ rẻ mà gánh đứt cả hơi.

Trời đổ mưa, một mình lọm khọm đi trên đường ray xe lửa mà sợ hết hồn. Lời lãi không đáng bao nhiêu, nhưng cũng phải ráng mà đi buôn ngày này qua ngày khác. Chừ còn khỏe, mai mốt đau ốm nằm một chỗ, tiền mô mà thuốc men. Con cái kinh tế khó khăn, mình cứ gồng gánh tới khi nào không thể đi được nữa thì thôi”.

Công việc thường ngày của những người phụ nữ lớn tuổi đã không còn được nhanh nhẹn như lúc trước, song với tâm lý “không làm gánh nặng cho con cháu”, họ vẫn phải bươn bải gánh hàng nặng trĩu từ ngày này sang ngày khác để mưu sinh. Gánh hàng xuống núi lên non - một công việc hết sức vất vả, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, họ vẫn không ngần ngại.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.