.

Những người đàn bà Đẹp

.

Họ  là những người đàn bà Đẹp dù không sắc nước hương trời…

Trong khuôn viên Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, bên cạnh các phòng chuyên khoa, khu điều trị là… một căn bếp phục vụ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Bếp ăn tình thương này do Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Thọ Đông thành lập cách đây vừa tròn 2 năm. Cũng từ nơi đây, hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo được ấm bụng. Có được điều thiện nguyện ấy là bàn tay, công sức của nhiều người phụ nữ lấy việc phát tâm làm niềm vui cuộc sống.


Bỏ thời gian, công sức và không nhận một đồng tiền công, nhưng từ ánh mắt, nụ cười các chị luôn đầy ắp niềm vui.

Căn bếp rộng khoảng 40 mét vuông đỏ lửa suốt tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật). Mỗi ngày nơi này phục vụ từ 60 đến 70 suất ăn. Trước đây, Hội Chữ thập đỏ phường thuê người nấu bếp. Như vậy vừa mất một khoản chi phí tiền lương, vừa không hài lòng về chất lượng bữa ăn, nên chính các chị là đạo hữu và phật tử chùa Hòa Thọ đã tự nguyện đứng ra lo toan mọi việc.

4 con người lo bữa ăn cho vài chục người không phải là việc nhẹ nhàng, thế nhưng, bước vào căn bếp này, lúc nào người ta cũng dễ có cảm giác vui vẻ bởi tràn ngập tiếng cười. Các chị Phùng Thị Hương, Hồ Thị Mỹ, Võ Thị Ngọc, Diệp Thị Bảo Cúc, Nguyễn Thị Chúc và rất nhiều chị nữa luân phiên nhau đến phục vụ bếp ăn tình thương.

Chị  Phùng Thị Hương cho biết: “Số chị tham gia đông lắm. Ai rảnh ngày nào thì đăng ký đến làm ngày đó. Người đi chợ, người gọt rửa, người nấu và phục vụ. Cứ thế, mọi người tự biết và chia sẻ công việc với nhau như chị em một nhà”.

Một suất  ăn 5.000 đồng (chưa tính tiền gạo), số tiền này do Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ một phần, chùa Hòa Thọ và các nhà hảo tâm ủng hộ một phần. Nhưng để duy trì mỗi ngày trung bình 300 nghìn đồng tiền chợ, nhiều lúc các chị phải tự bỏ tiền túi bù vào. Mà điều này gần như đã trở thành chuyện thường ngày của các chị.

Với mức 5.000 đồng/suất, khó có thể có một bữa ăn đầy đủ 5 món thịt, rau, trứng, canh, dưa. Nhưng với từng ấy tiền mà phải cho người bệnh được ăn no, vừa miệng, các chị đã phải cân nhắc thực đơn, thành phần dinh dưỡng, đặc biệt thức ăn phải bảo đảm độ tươi, ngon từ khâu mua vào đến chế biến. Chị Hương cho hay: “Bệnh nhân mà, họ phải ăn đủ chất mới khỏe được”.

Các chị chăm chút bữa ăn cho người nghèo như  chính người thân yêu của gia đình mình. Một cọng rau luộc chưa xanh tới cũng đủ khiến các chị áy náy vì chưa làm tròn trách nhiệm. Bỏ thời gian, công sức và không nhận một đồng tiền công, ấy vậy mà từ trong ánh mắt và nụ cười của các chị luôn đầy ắp niềm vui. Dường như, từ việc làm này, tâm hồn các chị đang nhận được nhiều lắm sự thanh thản và cảm nhận thật rõ hạnh phúc là gì.

Đến giờ phát cơm trưa, cơm chiều, “tiệm cơm” tình thương tấp nập thực khách như những quán ăn bình dân ven đường. Chỉ có điều, ở đây, khách đến ăn chỉ cần mang theo tô, chén mà không cần mang theo tiền. Đã thế, khách muốn ăn bao nhiêu cứ nói, nếu không sẽ “bị” hỏi: “Hôm nay, cô-bác có cần thêm cơm không? Chừng này đủ chưa em?...”.

Chưa biết bếp ăn tình thương sẽ được duy trì trong bao lâu, bởi kinh phí không ổn định, nhưng chừng nào bếp còn đỏ lửa, các chị còn có  mặt để mỗi giờ ăn, bệnh nhân nghèo được vơi bớt nỗi lo âu. 

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.