Người ta thường nói biết và thông thạo một ngoại ngữ thì con đường công danh và sự nghiệp sẽ “sáng sủa” hơn. Vì thế mà hiện nay, không ít bạn trẻ học ngoại ngữ để tìm cho mình một công việc tốt, có thu nhập cao. Một trong những nghề đang “hot” là phiên dịch, hiện đang được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng với lương, cơ hội thăng tiến cao.
Khó tuyển
Phiên dịch tại các hội thảo, người phiên dịch phải chịu sức ép về thời gian, có kiến thức chuyên ngành tốt…Trong ảnh: Hội thảo Kỹ năng giảng dạy lâm sàng tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Lê Dung. |
Hiện nay, hầu hết các thông tin tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tuyển dụng phiên dịch viên tiếng Anh, Nhật, Trung… với các vị trí như trợ lý, nhân viên phiên dịch của các DN “yêu cầu nói và viết thông thạo một loại ngoại ngữ, làm việc với chế độ lương cao và có cơ hội thăng tiến”, “đặc biệt là ưu tiên ứng viên am hiểu về các ngành công nghệ thông tin, viễn thông”.
Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài hay các DN trong nước muốn phát triển, cần phải có những mối quan hệ làm ăn với bên ngoài, đòi hỏi phải có phiên dịch am hiểu về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, trở thành cầu nối ngôn ngữ, văn hóa và các mối quan hệ hợp tác.
Nhu cầu là vậy, thế nhưng nhiều khi việc đăng tuyển của các DN rất lâu mà người ứng tuyển vào chức danh đó rất ít. Thậm chí có DN đăng tuyển dụng hơn nửa năm mà không tìm được người, bởi phiên dịch là nghề có thu nhập cao nhưng cũng đòi hỏi phải có một kỹ năng chuyên nghiệp và nhiều áp lực.
Lương cao, áp lực lớn
Nghề phiên dịch được chia làm hai dạng: phiên dịch nói (thường gọi là thông dịch viên) và phiên dịch viết (gọi là biên dịch).
Đối với việc thông dịch, chuyển đổi văn bản nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, đòi hỏi người dịch phải chịu sức ép rất lớn về thời gian, am hiểu chuyên ngành mà mình đang dịch để phản ứng nhanh và nắm bắt thông tin dịch chính xác nhất và gần như không có thời gian để suy nghĩ cân nhắc về từ ngữ. Thông dịch thường dùng trong các hội nghị, hội thảo quốc tế. Bên cạnh đó, thông dịch cũng được dùng khi những người khác ngôn ngữ gặp nhau để trao đổi công việc.
Đối với biên dịch, là công việc chuyển đổi một văn bản viết từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Người dịch không phải chịu sức ép thời gian căng thẳng hay yêu cầu phản ứng tức thì như dịch nói, nhưng yêu cầu độ chính xác cao về từ ngữ, ngữ pháp và câu văn trôi chảy hơn.
Tuy nhiên, dù theo hình thức nào thì người phiên dịch đều phải nắm bắt thông tin thật nhanh, chính xác và phải diễn đạt ý người khách một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Đó cũng là áp lực cao đối với nghề phiên dịch để truyền đạt những thông tin từ người nói đến người nghe.
Như chị T. Thị Thơ, một kỹ sư tin học làm việc cho một công ty điện tử có vốn đầu tư của Nhật tại Đà Nẵng, với trình độ tiếng Nhật 3kyu, chị được làm việc với chế độ lương tốt và được công ty đầu tư để học nâng cao, nhưng chị vẫn nhận hợp đồng biên dịch về làm, dịch một trang tài liệu A4 có giá dao động 50-100 nghìn đồng. “Nhiều khi tài liệu cần dịch gấp, chị phải làm suốt đêm, nên áp lực lắm”, chị cho biết.
Công việc này không hề đơn giản vì nếu dịch sai hoặc không đúng nghĩa của thông tin thì nội dung truyền đạt sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Bên cạnh đó, sự khác biệt về phong tục tập quán cũng khiến cho những người phiên dịch phải chú ý đến việc chuyển tải thông tin qua lại. Theo chị Thơ, tùy theo mỗi lĩnh vực mình nhận phiên dịch mà thù lao cũng sẽ khác. Khi nhận dịch một vấn đề gì, phải đầu tư thời gian tìm hiểu về vấn đề đó.
Theo khảo sát qua các công ty dịch thuật, biên phiên dịch, có thể thấy cơ hội của những người làm nghề phiên dịch rất lớn. Đặc biệt là những phiên dịch giỏi 2-3 ngoại ngữ trở lên. Đối với phiên dịch theo ngày, thường dao động từ 200-300 nghìn đồng/ngày. Những phiên dịch làm các công ty thường được trả lương cao, 350 USD - 400 USD/tháng làm việc.
Ngoại ngữ + vốn văn hóa + kiến thức chung…= phiên dịch
Có nhiều người vẫn quan niệm rằng, hễ ai thông thạo ngoại ngữ là có thể làm phiên dịch được mà không hiểu hết những đòi hỏi của nó. Đó là một quan niệm sai lầm. Hiện nay, đội ngũ làm nghề phiên dịch, biên dịch rất nhiều, thế nhưng không phải ai sử dụng thông thạo nói và viết ngoại ngữ đều có thể làm phiên dịch, mà đòi hỏi phải có những kiến thức chuyên sâu về chuyên môn từng lĩnh vực cụ thể. Bởi chỉ cần không am hiểu vấn đề đang dịch thì có thể khiến cho bản dịch đó sai nghĩa, gây nên những phản ứng thông tin sai chiều.
Vì thế, người làm phiên dịch trước khi bước vào nghề cần được trang bị một cách đầy đủ về ngôn ngữ học, kiến thức chung, văn hóa nền, kỹ thuật dịch, sức khỏe…
KIM OANH