.

Sau bão, miền Trung lại oằn mình chống lũ lớn

.

Bão số 11 đã đi qua, các tỉnh miền Trung vừa lo khắc phục hậu quả sau bão, vừa lo đối phó với đợt lũ lớn đang dâng lên trên các hệ thống sông.

Hiện nay, rất nhiều xã thuộc huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú Yên còn ngập sâu trong nước và nhiều vùng bị chia cắt. Ngay sau khi tầm ảnh hưởng của cơn bão giảm, lực lượng cơ động của tỉnh lập tức thực hiện phương án cứu giúp dân nhưng mưa vẫn to, nước dâng nên rất khó tiếp cận.

Hàng nghìn hành khách trên các chuyến tàu từ 21 giờ đêm 2/11 đến giờ vẫn đang bị kẹt tại các ga từ Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ra đến Diêu Trì (tỉnh Bình Định) vì nhiều vị trí trên tuyến đường sắt qua tỉnh Phú Yên bị hỏng do cơn bão số 11.

Trưởng ga Tuy Hòa, ông Trần Kỳ Thạnh cho biết hiện có 8 đoàn tàu với hơn 2.000 hành khách đang kẹt tại các ga Tân Vinh (Bình Định), Tu Bông, Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa, Phước Lãnh và Hòa Đa (Phú Yên). Ngoài ra, còn đoàn tàu TN2 đang đậu tại ga Hảo Sơn (Phú Yên) chưa thống kê được số lượng hành khách.

Những hành khách đang kẹt tại các ga được ngành đường sắt và chính quyền địa phương giúp đỡ về sinh hoạt, cũng như tạo điều kiện chuyển sang đi đường bộ.

Cơn bão số 11 cũng gây nhiều thiệt hại về người và vật chất tại tỉnh Phú Yên. Tính đến sáng 3/11, trên địa bàn tỉnh đã có 13 người chết, 11 người bị thương. Về thiệt hại tài sản, theo số liệu chưa đầy đủ từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, Phú Yên có hơn 2.000 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng, hơn 625ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, 16 chiếc tàu bị chìm.

Bí thư tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc cho biết công trình thủy điện Sông Ba Hạ hiện đang xả lũ với lưu lượng 9.000m3/s nên tỉnh đang chỉ đạo di dời dân vùng hạ lưu sông Ba ra khỏi nơi nguy hiểm. Trung ương đã đồng ý với đề nghị của tỉnh về việc chi viện trực thăng để ứng cứu nhưng thời tiết quá xấu nên chưa thực hiện được.

Tại Khánh Hòa, bão đã qua nhưng trời vẫn tiếp tục mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước các sông Dinh, sông Cái đều đã vượt trên mức báo động III và xuất hiện lũ trên các sông.

Tính đến sáng nay, toàn tỉnh có 1 người mất tích, 6 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng và 18 tàu thuyền bị đánh chìm. Tại Nha Trang hiện nhiều tuyến đường bị ách tắc do nước không rút kịp. Trời vẫn tiếp tục đổ mưa lớn nên dự kiến mức thiệt hại sẽ còn tăng cao.

Tại Ninh Thuận và Quảng Nam, lũ trên các sông cũng đang dâng lên do mưa lớn sau bão số 11. Trên địa bàn Ninh Thuận trong 12 giờ qua đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 40-90mm; cá biệt lên tới 150mm.

Mực nước các sông tại tỉnh này đã đạt trên báo động I và vẫn tiếp tục dâng lên. Mực nước các sông ở Quảng Nam đến sáng 3/11 cũng đều lên mức trên báo động I và dự báo đến chiều nay có khả năng lên báo động III.

Ban chỉ huy phòng chống bão lụt các cấp hiện đang cùng các ngành, địa phương ở các tỉnh trên đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống lũ quét và sạt lở đất xảy ra tai các sông, suối; tiếp tục cảnh báo, vận động và ngăn chặn người dân không được băng qua các sông, suối tại các nơi xung yếu trong thời gian xảy ra mưa lũ.

Các huyện vùng đồng bằng, trung du triển khai các phương án sơ tán dân ở vùng trũng thấp, vùng gần các sông lớn, để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân khi có lũ lớn.

(TTXVN/Vietnam+)

;
.
.
.
.
.