Sáng ngày 11-11, UBND thành phố tổ chức cuộc họp thẩm định Đề án quy hoạch tổng thể phát triển của hai ngành Giáo dục-Đào tạo và Lao động-Thương binh và Xã hội đến năm 2020 do đồng chí Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh phát biểu kết luận cuộc họp. |
Theo Đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành Giáo dục-Đào tạo, đến năm 2020, toàn thành phố có 487 cơ sở giáo dục-đào tạo, với khoảng 400.000 học sinh. Trong đó, 146 trường mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo (tăng 21 trường so với năm học 2010-2011); 113 trường tiểu học (tăng 5 trường so với năm học 2010-2011); 60 trường THCS (tăng 3 trường so với năm học 2010-2011); 33 trường THPT (tăng 8 trường so với năm học 2010-2011); 15 trường TCCN địa phương (tăng 5 trường so với với năm học 2010-2011); 8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp, kỹ thuật-tổng hợp; 56 trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học và 56 trung tâm học tập cộng đồng; 13 trường đại học, cao đẳng (tăng 6 trường so với năm học 2010-2011); có 75 đơn vị, cơ sở đào tạo nghề (tăng 20 cơ sở dạy nghề so với năm 2010). Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị thực hiện đến năm 2020 là 5.500 tỷ đồng (chưa kể tiền đền bù giải tỏa).
Đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đề ra mục tiêu đến năm 2015 giải quyết việc làm mới cho 3,2 đến 3,4 vạn lao động, hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống còn dưới 4%; giai đoạn 2016-2020 giải quyết việc làm cho 3,3 đến 3,5 vạn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%. Đào tạo nghề giai đoạn 2011-2015 bình quân 35.000 người, trong đó, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trung cấp 25% và sơ cấp 60%; giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 50.000 người.
Tiếp tục thực hiện chương trình “Không có hộ đặc biệt nghèo”, giảm nghèo để đến năm 2015 còn 0,34% hộ nghèo và phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không còn hộ có thu nhập bình quân dưới mức 650.000 đồng/người/tháng; hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội, bảo đảm 100% người già neo đơn, trẻ em mồ côi không thể tự lập được trợ giúp.
Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH bắt buộc trong các doanh nghiệp dân doanh đạt từ 75 đến 80% và doanh nghiệp FDI đạt từ 85 đến 90%. 100% người nghiện ma túy, mại dâm có hồ sơ quản lý được cai nghiện, chữa bệnh, trong đó, từ 60 đến 70% được học nghề, giải quyết việc làm; xây dựng từ 70 đến 80% xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội…
Các thành viên Hội đồng phản biện đã đánh giá nội dung của hai Đề án mang tính khoa học cao, đầy đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, Đề án Giáo dục-Đào tạo cần có những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia; nêu rõ cơ cấu, chất lượng đội ngũ giáo viên ở các trường quy hoạch. Đối với Đề án Lao động-Thương binh và Xã hội, chú ý sắp xếp lại việc đào tạo theo các nhóm ngành, xây dựng quy hoạch đào tạo nghề phải dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến phản biện để hoàn thiện Đề án. Ngành Giáo dục-Đào tạo phải bổ sung vào Đề án yếu tố so sánh tương quan phát triển của ngành, so với các tỉnh, thành miền Trung-Tây Nguyên; rút ra những bài học kinh nghiệm trong phát triển các mô hình giáo dục đạt hiệu quả cao, để làm cơ sở ứng dụng trong thời gian đến.
Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu giải quyết sự mất cân đối giữa cơ cấu đào tạo nghề; xem xét cơ cấu đào tạo ngành nghề phải hợp lý, sát với yêu cầu xã hội; tìm ra các giải pháp an sinh xã hội, giúp người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Tin và ảnh: NGỌC ĐOAN