Sáng ngày 9-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Đăng Vang phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước” từ năm 2006 đến 31-12-2008.
Đánh giá về vị trí và vai trò của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong nền kinh tế, Báo cáo giám sát cho rằng, đa số các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức độ thì khác nhau, có tập đoàn, tổng công ty đạt hiệu quả cao, có đơn vị lại đạt hiệu quả rất thấp, nhưng nhìn tổng thể, vai trò của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong thời gian qua là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhiều lĩnh vực không thể làm được nếu thiếu tập đoàn, tổng công ty
Báo cáo giám sát khẳng định, trong điều kiện nền kinh tế không ổn định, phải đối phó với những biến động về cung-cầu hàng hóa, về giá cả... nhiều tập đoàn, tổng công ty đã thể hiện vai trò điều tiết thị trường, ổn định giá cả, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường như trong thời gian cuối năm 2007 và đầu năm 2008.
Nhất trí với đánh giá của Báo cáo giám sát, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, con số gần 40% GDP và trên 50% kim ngạch xuất khẩu mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đóng góp cho nền kinh tế quốc dân khẳng định vai trò, ý nghĩa hết sức to lớn của các doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) lại khẳng định vai trò của các tập đoàn, tổng công ty bằng những so sánh như nếu không có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng sẽ không có 97% số hộ vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện, con số mà không ít nước phát triển hơn không đạt được, hay nếu thiếu vắng Viettel, VNPT, cước điện thoại sẽ khó có thể rẻ như hiện nay.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định: “Các tập đoàn, sau khi được nâng cấp từ các tổng công ty, đã trở thành quả đấm thép của nền kinh tế thị trường, nhiều lĩnh vực nếu không có tập đoàn, tổng công ty không thể thực hiện được”.
Chủ động huy động vốn, tranh thủ nguồn lực phát triển
Với số vốn Nhà nước cấp ban đầu còn hạn chế, không đáp ứng đủ yêu cầu mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất-kinh doanh; vốn điều lệ hầu như không được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, Báo cáo giám sát đánh giá các tập đoàn, tổng công ty đã chủ động huy động vốn, đa dạng hóa hình thức sở hữu ở các công ty thành viên, để tranh thủ nguồn lực phát triển, tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư quan trọng.
Một ví dụ là tổng số vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty thuộc nhóm nông nghiệp đều có xu hướng tăng vốn chủ sở hữu khá nhanh trong 3 năm 2006-2008.
Tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tổng công ty thuộc nhóm nông nghiệp về cơ bản nằm trong ngưỡng an toàn. Cụ thể, năm 2006 tỷ lệ này là 2,74 lần; năm 2007 là 2,33 lần và năm 2008 là 2,66 lần. Con số này được đại biểu Bình Định Nguyễn Đăng Vang đánh giá là “vẫn an toàn nếu nhìn tổng thể nợ”.
Để nâng tầm các tập đoàn, tổng công ty
Khẳng định vai trò trọng yếu của các tập đoàn, tổng công ty, song đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) vẫn cho rằng các tập đoàn và tổng công ty “chưa tận dụng được hết các lợi thế mà Nhà nước dành cho”, bao gồm lợi thế vốn, đất đai, yếu tố cạnh tranh và lợi thế niềm tin xã hội. Tương tự, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ băn khoăn, “tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các tập đoàn, tổng công ty còn thấp, chưa tương xứng ưu đãi Nhà nước”.
Báo cáo giám sát đánh giá, có không ít đơn vị, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ yếu nhờ vốn vay ngân hàng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không đảm bảo, ảnh hưởng đến tính ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Một số tổng công ty lỗ phát sinh ở đơn vị thành viên đã gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động sản xuất-kinh doanh chung như năm 2008 Tổng Công ty Lắp máy có lỗ phát sinh 68,75 tỷ đồng, Tổng Công ty Xây dựng CTGT 4 lỗ phát sinh 52,52 tỷ đồng...
Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh để quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về vốn và tài sản tại tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở hoàn thiện cơ chế phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước theo nguyên tắc phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.
Thực hiện triệt để hơn tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp... Tổ chức rà soát đánh giá hoạt động của tập đoàn, tổng công ty để có biện pháp chấn chỉnh, củng cố các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn hoặc hoạt động kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
(Theo Chinhphu.vn)