.
THẢO LUẬN TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XII

Xác định trách nhiệm trong việc sử dụng năng lượng

.

Chiều 7-11, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và dự án Luật Trọng tài thương mại.  Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo Quốc hội Tờ trình dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chống lãng phí trong sử dụng năng lượng

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày Tờ trình dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.  Ảnh: TTXVN 


Với 7 chương, 46 điều, Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng các quy định, chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, việc lập kế hoạch dài hạn cấp quốc gia và địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở sử dụng năng lượng cũng như Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, hoạt động sử dụng năng lượng trong đời sống dân cư và hành vi nghiêm cấm khác. Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định nguyên tắc để điều chỉnh các đối tượng sử dụng năng lượng, phối hợp đồng bộ với các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích và bắt buộc, đặc biệt với những đối tượng sử dụng nhiều năng lượng.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời là một biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển bền vững của nước ta.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhu cầu cấp bách trong tình hình nước ta hiện nay. Bởi đây là biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Một số ý kiến khác đề nghị Luật cần phải điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ quá trình bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng.

Khuyến khích giải quyết tranh chấp qua trọng tài thương mại

Về dự án Luật Trọng tài thương mại, thay mặt cơ quan soạn thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho biết, việc ban hành Luật Trọng tài thương mại nhằm thực hiện chủ trương khuyến khích sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp giữa các chủ thể mong muốn giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả.

“Chính nhu cầu đó đã làm nảy sinh yêu cầu cấp thiết xây dựng Luật Trọng tài thương mại”, ông Phạm Quốc Anh phân tích.

Các nội dung quan trọng của dự án Luật Trọng tài thương mại phải tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi nhất cho việc lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Do đó, đòi hòi dự thảo Luật phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh và giải quyết các tranh chấp hiện nay cũng như trong tương lai. Việc ban hành Luật cũng phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao và bảo đảm hơn nữa quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng tranh chấp được đưa ra giải quyết qua trọng tài thương mại hiện nay quá ít ỏi. Thống kê cho thấy, năm 2007 chỉ mới có 30 vụ, năm 2008 là 50 vụ được đưa ra giải quyết bằng trọng tài thương mại. Trong khi đó, một thẩm phán ở TP. Hồ Chí Minh mỗi năm phải xét xử đến 50 vụ tranh chấp.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật trình Quốc hội. Tuy nhiên, một trong những ý kiến còn khác nhau là phạm vi, thẩm quyền của trọng tài thương mại, Ủy ban Tư pháp cho rằng, nên giới hạn phạm vi bao gồm các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, bởi Luật này đã có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, đã khắc phục được hạn chế về phạm vi thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.                
                                            
(Theo Chinhphu.vn)

;
.
.
.
.
.