.
TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Vấn đề cần quan tâm tại các doanh nghiệp FDI

Tài chính Công đoàn được hình thành bởi 2 nguồn thu chính là đoàn phí do đoàn viên đóng góp 1% trên tiền lương, tiền công hằng tháng; kinh phí do tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trích nộp 2% trên tổng quỹ tiền lương của đơn vị, ngoài ra còn có các nguồn thu từ sự hỗ trợ của các hoạt động kinh tế, văn hóa khác.
 
Việc trích nộp này được quy định trong Luật Công đoàn, đây là cơ sở pháp lý để tổ chức Công đoàn (CĐ) chủ động, độc lập trong việc triển khai, tổ chức các hoạt động theo chức năng của mình. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, công tác thu-chi từ nguồn này còn nhiều bất cập, nhất là việc truy thu kinh phí Công đoàn ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) còn chậm, dẫn đến hoạt động của các CĐ cơ sở (CĐCS) gặp nhiều khó khăn, bị động, không bảo đảm điều kiện để tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; chất lượng hoạt động hạn chế, không thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia.

Trước đây, thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, loại hình doanh nghiệp này được Nhà nước quy định phải bảo đảm các điều kiện để CĐCS hoạt động theo pháp luật lao động mà không quy định nghĩa vụ trích nộp kinh phí CĐ cụ thể như các loại hình DN khác. Qua thực tế, có rất ít DN hỗ trợ kinh phí cho CĐCS hoạt động, và nếu có cũng rất hạn chế, các CĐCS hoạt động chủ yếu chỉ từ nguồn thu đoàn phí của đoàn viên, nhưng nguồn thu này cũng không thu đúng, thu đủ theo điều lệ quy định, hầu hết đều thu ở mức bình quân từ 5.000 đồng-7.000 đồng/tháng/đoàn viên.

Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, thu hút nhiều dự án đầu tư của nước ngoài, nhằm bình đẳng giữa tất cả các thành phần kinh tế, nhất là để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, bền vững tại mỗi DN, nhất thiết phải bảo đảm các điều kiện để CĐCS nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 133/2008/QĐ-TTg về việc trích nộp kinh phí Công đoàn đối với DN FDI và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng, hợp tác kinh doanh. Theo đó, các cấp, ngành chức năng cũng đã có những văn bản pháp quy về nội dung và phạm vi thu, chi ngân sách CĐCS DN FDI.

Năm 2009, hầu hết các DN đều chịu ảnh hưởng rất lớn của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, việc thực hiện trích phần trăm kinh phí CĐ làm tăng thêm chi phí của DN, tuy nhiên, khi có các văn bản quy định cụ thể về việc trích nộp, sử dụng kinh phí Công đoàn, phần lớn các chủ DN quan tâm và có trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí để CĐCS có điều kiện tổ chức các hoạt động, chất lượng hoạt động của CĐCS đã có nhiều chuyển biến tốt hơn.
 
Đến nay, đã có 29/35 DN FDI, CĐCS trực thuộc CĐ các Khu công nghiệp và chế xuất thực hiện trích nộp phần trăm kinh phí Công đoàn; nhiều CĐCS đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, nội dung thiết thực, hình thức phong phú, từng bước tạo được môi trường làm việc thân thiện, hoạt động của CĐCS có chất lượng, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một số DN nghiệp chưa thực hiện trích phần trăm kinh phí CĐ  hoặc trích nộp chưa đúng, chưa đủ so với tổng quỹ tiền lương thực trả cho NLĐ như quy định. Còn có DN tham gia, can thiệp sâu vào việc thực hiện chi nguồn kinh phí phần trăm của CĐ quản lý. Khi thực hiện trích phần trăm kinh phí CĐ thì chuyển giao cho CĐCS chi các khoản trước đây DN chi từ nguồn phúc lợi của DN.

Trước tình hình trên, các CĐCS cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, dự toán kinh phí và thực hiện quản lý thu chi đúng theo quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng thời, CĐ cấp trên cần thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra giúp CĐCS thực hiện tốt công tác quản lý, thu, chi nhằm nâng cao hiệu quả của nguồn kinh phí công đoàn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra doanh nghiệp về việc thực hiện trích nộp phần trăm kinh phí CĐ theo đúng quy định.

XUÂN THANH

;
.
.
.
.
.